Thứ Năm, 19 tháng 4, 2018

Trí Óc Đóng Chặt

Tự thuở ban đầu vì tình yêu nên Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người. “Thiên Chúa phán : "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta.” (St 1, 26). Thiên Chúa không chỉ tạo dựng nên con người với một cái xác vô hồn nhưng Ngài còn đặt vào trong thân xác đó một linh hồn bất tử “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.” (St 2, 7) Trong linh hồn có tình yêu, có cảm xúc… và còn có một đầu óc để biết duy lí đúng hoặc sai. Thiên Chúa dựng nên con người nhưng Ngài không bao giờ gò bó hay co cụm họ lại nhưng ban cho họ sự tự do lựa chọn. Dẫu biết rằng đường lối và chỉ đẫn của Ngài là tới Chân thiện mỹ. Tuy nhiên Ngài vẫn để họ tự do. Nên mỗi người ai cũng có tự do để duy lí theo tự do của mình. Duy lí mở rộng hay đóng kín lại là do tự do lựa chọn của mỗi người. Trí óc duy lí theo kiểu mở rộng hay đóng chặt kiểu nào đáng sợ?Frank Tyger cũng đã bình luận rằng: “Những trí óc đóng chặt đáng sợ hơn nhiều so với những cánh cửa đóng chặt”

Trong cuộc sống thường ngày ta đóng mở biết bao nhiêu là vật dụng. Đóng, mở một cái ngăn kéo. Đóng, mở một cái ba-lô. Đóng, mở một cánh cửa. Nhưng nếu ta đóng chặt một cái gì đó thì rất khó để mở ra nếu không có chìa khóa hay cách thức phù hợp.  Đóng chặt là khép kín lại một cách cứng nhắc, khó có thể phá vỡ. Đóng quá chặt một cánh cửa thì gần như tạo thành một bức tường cố thủ vững chắc, người khác khó có thể mở được. Những vật dụng ta đóng chặt. Như một cánh cửa nào đó đóng chặt thì dù có chặt đến đâu cũng có thể mở hoặc phá vỡ nó ra được.
Vậy nếu một trí óc đóng chặt thì sao? Trí óc ai đó khi họ đã đóng chặt thì có mở được không? Hầu hết mỗi người ai cũng như ai đều được Thiên Chúa ban cho một trí óc để biết suy tư những vấn đề trong thiên nhiên, trong cuộc sống, trong các cung bậc tình cảm. Thánh Phaolo qua thử gửi Rôma cũng đã dạy điều đó. Ngài cũng đã dạy rằng: “Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người.” (Rm 1,20). Mỗi người đều được Thiên Chúa dạy dỗ qua nhiều cách thức khác nhau, tuy nhiên cùng một cùng đích là hướng đến chân thiện mỹ. Ai cũng có tự do dùng trí óc của mình để duy lí theo một cách thức khác nhau, nên mỗi người cũng tự do lựa chọn để dùng lí trí của mình theo cách riêng của bản thân. Nhưng nếu dùng sự tự do đó để đóng chặt trí óc trong một não trạng thì hậu quả sẽ như thế nào? Và nó đáng sợ đến đâu? Khi đã đóng chặt trí óc của mình lại tức là sẽ không tiếp nhận bất kỳ một kiến thức hay một chân lí nào khác. Trí óc đó đã ngưng tụ trong một trạng thái bão hòa. Xã hội hôm nay hằng ngày có biết bao nhiêu thông tin cần phải tiếp nhận, với biết bao khám phá mới mẻ mà con người cần tiếp nhận cách chọn lọc để làm mới mình mỗi ngày. Và để cho mình phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội. Tuy nhiên khi đã đóng chặt trí óc của mình rồi thì những thông tin mới, những khám phá mới đối với một trí óc đóng chặt thì gần như là vô nghĩa. Đối với xã hội nếu cá vị nào đó đóng chặt trí óc mình lại thì người đó tư cô lập chính mình với thế giới xung quanh. Họ trở thành một người bảo thủ quá mức. Họ có thể trở thành một bức tường cản lối sự phát triển của xã hội. Thực trạng xã hội Việt Nam hôm nay cũng vậy. Hầu hết các nhà chức trách đều đóng chặt trí óc của mình. Họ không cởi mở lí trí của mình ra bên ngoài với thế giới, mà họ đã ý thức hệ hóa não trạng của mình theo lối bảo thủ cố chấp. Để rồi nhìn xem Việt Nam hôm nay: kinh tế, khoa học, chính trị, xã hội so với các nước phát triển thì quá lạc hậu và lỗi thời. Dân tình thì khốn khổ bởi những đường lối cổ hũ của họ.Vì họ không mở lí trí của mình ra nên họ không nhìn ra được nên làm gì và bỏ điều gì. Cũng có thể họ nhìn thấy được nhưng họ vẫn đóng chặt lí trí không tự nhận mình là sai để rồi định hướng xã hội đi xuống một cách trầm trọng.
Những trí óc đóng chặt đã gây ra biết nhiêu nguy hại cho xã hội ảnh hưởng đến biết bao người xung quanh họ. Nhưng những trí óc đóng chặt không chỉ gây hại bên ngoài xã hội mà thôi mà nó còn gây ảnh hưởng đến tận chính gia đình và cá nhân họ nữa. Trong gia đình có một người chồng hoặc người vợ cứng nhắc với lí trí của mình thì sẽ như thế nào? Nếu họ luôn luôn đống chặt trí óc của mình lại cứng nhắc với cách duy lí lỗi thời thì có thể rằng tình yêu trong gia đình giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái sẽ bị nguội dần đi. Vì với một trí óc cứng nhắc thì khó để có chổ cho tình yêu chen chân vào. Với một lí trí cứng nhắc thì khó để gặp được sự giao thoa giữa hai tâm hồn. Khi trong gia đình con cái phạm lỗi thì người cha người mẹ cần phải sửa dạy. Nhưng nếu cha mẹ dạy với một kỷ luật quá nghiêm ngặt thì sẽ như thế nào? Sợ rằng sau một lần sửa dạy quá nghiêm ngặt đó hậu quả sẽ trở nên nghiêm trọng hơn vì người con đó chỉ sợ mà không “kính”. Nếu sửa dạy với một kỷ luật và hòa vào đó là chút tình yêu thì có lẽ rằng người con đó sẽ nên hoàn thiện hơn sau mỗi lần được cha, mẹ dạy. Và người con đó không chỉ sợ mà còn kính phục cha mẹ mình nữa.
Trong lịch sử của Giáo Hội cũng vậy, cũng không ít bao nhiêu cá nhân, tập thể với một não trạng đóng chặt. Thời kỳ lúc Chúa Giêsu còn đi ra giảng đã gặp không ít sự cản trở của một nhóm người Biệt Phái được coi là trí thức thời đó. Với một trí óc đóng chặt họ đã không để cho lời của Chúa Giêsu thay đổi con người của họ mà trái lại họ còn ra sức chống đối và tìm cách bắt bớ Chúa. Trong thư gửi tín hữu Rôma Thánh Phaolo cũng đã lên án những người đóng chặt trí óc rằng: “Vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo. Trái lại, đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hoá ra mê muội.” (Rm 1, 21)
Vì trí óc đóng chặt nên tâm trí người ta hóa ra mê muội. Cũng vì mê muội nên không chỉ họ không đón nhận được ánh sáng chân lí mà họ còn ngăn cấm người khác đón nhận chân lí. Điển hình như thời Chúa Giêsu nhóm biết phái tìm cách ngăn cấm và dọa nạt những ai tin vào lời của Chúa Giêsu.
Ngày hôm nay đây cũng vậy, trong giáo hội cũng đang có biết bao nhiêu người đóng chặt trí óc. Để rồi họ sống khép kín với chính mình, bỏ qua lời dạy của Giáo Hội để tự thỏa mãn với lí trí của riêng mình. Khi đóng chặt trí óc là gần như họ chỉ sống với chính mình. Khi đó họ như đóng chặt cánh cửa yêu thương của mình với tha nhân. Hậu quả là họ luôn sống trong sự cô độc. Sống trong sự thiếu hụt về tình thương và chân lí. Và như thế không những họ làm khổ chính mình mà còn gây ảnh hưởng đến những người xung quanh họ. Cũng có thể có một nơi nào đó vì họ mà xảy ra bất hòa, chiến tranh và thiếu vắng sự bình an.

Với một trí óc đóng chặt hậu quả rất nghiêm trọng so với một cánh cửa đóng chặt. Vì cánh của là dạng vật chất tồn tại nếu nó đóng chặt ta có thể phá vỡ nó hoàn toàn rồi làm lại cái mới nhưng với một trí óc đóng chặt thì ta không thể loại bỏ trí óc đó được. Vì trí óc đó nằm trong một hữu thể sống và hữu thể đó cũng là một nhân vị đặc biệt trước mặt Thiên Chúa. Tuy nhiên không phải khi ta mở trí óc là ta đón nhận tất cả những gì từ bên ngoài vào nhưng ta phải biết chọn lọc điều nào nên tiếp nhận và điều nào nên loại bỏ, để ta luôn được sống trong sự hoan lạc và bình an.