Thứ Năm, 29 tháng 10, 2020

Suy Tư

Đất trời đang dần thay đổi, khí hậu bất thường, thiên tai lũ lụt, dịch bệnh tràn lan. Người ta nói với nhau rằng, ở Việt Nam hiện tại chỉ có hai mùa: mùa mưa lũ và mùa dịch bệnh. Vũ trụ không còn được hiền hòa như thuở ban sơ, chim kêu vượn hót, nước chảy êm đềm. Con người cũng vậy, trong những ngày vừa qua, đứng trước hiện tượng nhân tai và thiên tai, tiếng kêu cứu của đồng loại vang vọng tới trời, và đã chạm ngõ đến những lòng nhân biết yêu thương. Tuy nhiên, khi đứng trước những biến cố đau thương như thế, ta có nên quay về với thực tại để tìm ra nguyên nhân, và một cách chậm rãi để nhìn nhận ra sự việc đang vận hành như thế nào?

Trong những ngày qua, miền trung Việt Nam đã phải hứng chịu cảnh nước lũ dâng cao, nhà nhà bị ngập trong biển nước, tiếng kêu cứu của những con người, vì đói, vì đang phải đối diện với tử thần. Nước xuống chưa được bao lâu, thì gió nổi lên, gió thổi với sức mạnh giật từ cấp 12-15, đã thồi bay biết bao nhiêu mái ngói, căn nhà của những con người nghèo khổ. Của cải vật chất bay theo cùng con nước và ngọn gió vô tình. Tuy vậy, không chỉ dừng lại ở việc mất của, nhưng đau thương hơn nữa, con người phải nhìn cảnh thân nhân và đồng bào của mình bị nước cuốn trôi, dìm chết, bị những đống đất vô tình chôn sâu. Dịch bệnh vẫn còn đó chưa dứt, nó vẫn còn đang âm ỉ, và đang đợi cơ hội để bùng ra, để rồi lại lạnh lùng cướp đi sức khỏe và mạng sống của con người, thế mà, các tai ương khác lại ấp tới. Vậy, phải chăng con người đang bị trời trừng phạt vì tội lỗi của họ? Xã hội hôm nay,con người quá tàn độc, thai nhi bị giết mỗi ngày, ăn trộm cướp giật như cơm bữa, đôi đũa biến thành vũ khí tranh giành miếng ăn, máu chảy thành sông. Đứng trước những thực tại như thế, ta bất giác nghĩ rằng: “trời đang trả đũa con người, trời cao đang ăn miếng trả miếng với con người”. Thậy vậy, thay vì than trách trời cao, đã không ban nắng xuân trong nhưng ngày mưa bão, đã không đưa cánh tay uy hùng của mình để ngăn giữ dòng nước, phá tan dịch bệnh, con người nên nhìn vào những gì đang hiện diện trước mắt mình. Người ta bất chấp lợi nhuận kinh tế, tàn phá thiên nhiên, thủy điện mọc lên như nấm. Vì mục đích chính trị, người ta sẵn sàng chế tạo vũ khí sinh học để tiêu diệt lẫn nhau. Đứng trước bước tiến của khoa học, người ta loại bỏ trời cao, xa rời Thượng Đế. Chủ trương “Chúa đã chết rồi”, đang lan tràn khắp nơi. Vậy, lúc này đây, những tai ương đang xảy ra do trời hay do người?

Khi đứng trước những đau thương, tiếng kêu thảm thiết lại vang lên, vì ta bất lực, với sức riêng của mình ta không làm gì được. Tiếng kêu ấy, đã đụng chạm lòng nhân ái của biết bao nhiêu con người. Người ta tiết kiệm chi tiêu nhằm ủng hộ những nơi khó khăn, những cái bánh, gói mì tôm và những món quà quý giá khác đã đến được với những con người đang cần. Tuy vậy, những tấm lòng từ thiện, với mong ước thắp lên ngọn lửa tình yêu trước những băng giá của đất trời, đã trở thành nơi đấu tố, cướp bóc vì những món quà. Người ta tranh giành nhau vì miếng ăn, chai nước, đấu tố nhau vì những đồng tiền từ thiện. Cũng lúc này, có những người rao bán tình yêu thương của mình, để được nổi tiếng trên mạng xã hội, để được người ta quan tâm, nhằm trục lợi cho bản thân. Người ta cắt ghép hình ảnh để sống ảo, trên mạng xã hội facebook , chân đã chạm bùn lụt, nhưng thực tế bàn chân đó chưa biết bùn mềm hay cứng (qua vụ việc Huấn Hoa Hồng).

Yêu thương nhau, gửi cho nhau những món quà trong lúc khó khăn là điều tuyệt vời. Đó cũng là đạo lí yêu thương của con người, và khi mở rộng tấm lòng, người ta biết quay về với cội nguồn của mình. Trong nhân gian có câu rằng: “một miếng khi đói, bằng một gói khi no”. Tuy nhiên, cho nhau những món quà trong lúc khó khăn, thì cũng nên cho “người nhận”, biết tìm ra công lý. Trong lúc những tấm lòng từ thiện từ khắp nơi đổ về, ở chốn đang hứng chịu tai ương. Vậy mà, hệ thống bộ máy quan quyền, được gọi là đầy tớ phục vụ dân đã làm được những gì trong lúc này? Chúng chỉ biết đưa ra chỉ thị, kêu gọi lòng nhân, nhưng chính chúng không chịu cất bước để hành động. Từ thiện, hai chữa tốt đẹp biết bao nhiêu. Nhưng, từ thiện không nên và chỉ dừng lại ở những món quà, dừng lại ở những thứ vật chất, mà còn phải từ thiện cho người ta trong ý thức hệ, đó chính là từ thiện lâu dài. Cứu đói trong lúc nguy cấp là việc phải được ưu tiên và đặt ra hàng đầu, nhưng cứu đói lâu dài cũng là điều cấp thiết trong xã hội Việt Nam hôm nay. Vì ý thức hệ của người dân, hầu như đã bị đồng bộ hóa hết tất cả.

Trước mọi biến cố xảy ra, người ta thường nhìn nhận và suy tư, để nhận ra “dấu chỉ thời đại”. Nhà toán học Pascal rất nổi tiếng với câu nói "Con người là một cây sậy, nhưng là cây sậy biết suy tư". Con người khác con vật ở chổ là suy tư. Thật vậy, suy tư là điều cần thiết cho cuộc sống của con người. Nếu trước mọi biến cố, mọi sự việc, con người không biết suy tư thì sẽ hành động theo bản năng. Khi mọi việc chỉ dừng lại ở bản năng thì chính con người tự hạ đi phẩm giá của mình. Thật vậy, con người với bản chất là “nhân chi sơ, tính bản thiện”. Con người luôn được thúc đẩy để hướng đến mọi điều tốt đẹp nhất. Vì vậy, ngay bây giờ, ta phải đi tìm lại cội nguồn của mình, để cùng nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, và để tránh được mọi tai ương xảy đến với mình.

 


Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2020

 Đức Tin và Văn Hóa

Chúng ta đang sống trong một thời kỳ mới, giữa một thế giới đầy biến động. Xã hội con người, dần bước tới một kỷ nguyên tươi sáng, trong mọi lĩnh vực: khoa học, xã hội... . Con người hôm nay, đặt niềm tin vào khoa học, bởi sự phát triển vượt bậc của nó. Tuy nhiên, đây cũng là thời kỳ, con người cảm thấy hoang mang, niềm tin giữa con người với nhau, giữa con người và Thượng Đế. Con người được một nền văn hóa hiện đại, cung phụng cho một cuộc sống sung túc, đầy đủ về mọi mặt, bởi vậy, một số người dần trở nên vô cảm và lãnh đạm trước mọi biến cố thời cuộc và của chính mình. Người ta đón nhận mọi thứ một cách hời hợt, ngay cả trong vấn đề đức tin của mình với Thiên Chúa. Vì thế, Thánh Giáo hoàng Gioan Phao-lô II đã nói rằng: “đức tin mà chưa biến thành văn hóa là đức tin chưa thực sự suy tư, chưa đón nhận một cách chân thành”.   

Sống trên trần gian này, con người luôn khát khao đi tìm Đấng Tạo Hóa. Bởi vì, mọi thực tại ở trần gian, chưa bao giờ làm con người được no thỏa và đạt tới hạnh phúc trọn vẹn. Vì thế, giữa vũ trụ mênh mông này, con người được Thiên Chúa ban tặng cho một đức tin, để nhờ đức tin con người được nhận biết Thiên Chúa và chân lý của Ngài. Vậy, đức tin là “nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta tin vào Thiên Chúa và những gì Ngài đã mặc khải cho chúng ta và những gì Hội thánh dạy chúng ta tin, vì Thiên Chúa là chính chân lý. Nhờ đức tin, con người phó thác bản thân mình một cách tự do cho Thiên Chúa. Vì thế, người tin tìm biết và tìm thi hành thánh ý của Ngài vì, “đức tin hoạt động nhờ đức ái” (Gl 5,6)” (SGLHTCG 368). Trong mọi thời đại, con người có một nền văn minh, văn hóa khác nhau. Qua mỗi thời đại, hậu thế sẽ được kế thừa nền văn hóa tốt đẹp mà cha ông để lại. Vậy, văn hóa là gì? Thánh Công đồng Vantican II cũng đã định nghĩa rằng: “văn hóa là tất cả những gì con người dùng để trao đổi và phát triển các năng khiếu đa điện của thể xác và tâm hồn; cố gắng chế ngự trái đất bằng tri thức và hành động; làm cho đời sống xã hội, đời sống gia đình và đời sống chính trị trở nên nhân đạo hơn, nhờ sự tiến bộ trong các tập tục và định chế; sau hết diễn tả, thông truyền và bảo tồn các công trình, những kinh nghiệm tinh thần và hoài bảo của các thời đại, để giúp cho nhiều người và toàn thể nhân loại tiến bộ hơn”.

Sống trong lòng Giáo hội, ngày từ lúc được sinh ra, ta được mời gọi đón nhận đức tin qua bí tích rửa tội. Bởi vậy, đức tin là món quà Thiên Chúa ban tặng cho ta, đức tin không phải là một cái gì đó để ta cố gắng bắt lấy. Khi thánh Phê-rô tuyên xưng đức Giê-su, “Thầy là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16). Khi ấy, Chúa Giê-su đã khẳng định rằng: “không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều đó, nhưng chính Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16, 17).  Ngay từ buổi sơ khai, Thiên Chúa đã có ý định ban cho con người một nên văn hóa, theo ý chí tự do của họ. Thiên Chúa đã chọn cụ Áp-ra-ham là một con người cụ thể, để xây dựng và phát triển thành một dân tộc. Ý định của Thiên Chúa, muốn cho con người xây dựng một nền văn hóa tùy ý mình một cách rõ nét hơn, khi Ngài ngăn cản con người xây dựng tháp Babel “nào Ta xuống và làm cho tiếng nói của chúng bị xáo trộn” (St 11, 7). Vì thế, đức tin và văn hóa là ân sủng mà Thiên Chúa đã tặng ban cho con người.

Sau khi dựng nên con người, Thiên Chúa đã mời gọi họ cộng tác và tiếp tục công trình sáng tạo của Ngài, “hãy sinh sôi nảy nở cho thật nhiều, cho đầy mặt đất và thống trị khắp mặt đất”. (St 1, 28). Dù sau đó, con người phạm tội với Thiên Chúa, bị Ngài đuổi ra khỏi vườn địa đàng, nhưng Ngài vẫn cho họ khả năng lao động để tạo ra những thứ nuôi sống mình một cách vất vả hơn. Theo dòng lịch sử thời gian, cho chúng ta thấy, con người đã sáng tạo những công cụ thô sơ cho tới các công cụ tân tiến để phục vụ cuộc sống của mình. Có lời chép rằng: “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn bởi mọi lời miêng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4, 4). Thật vậy, sự sống của con người không chỉ cơm no, áo ấm là đủ, nhưng còn bởi các giá trị tinh thần khác nữa. Bởi vậy, ở mọi thời, con người đều phát minh ra các bộ môn nghệ thuật để phục vụ cho đời sống tinh thần của mình. Con người đã sáng tạo ra, các làn điệu dân ca, các vũ khúc, những điệu nhạc... những môn nghệ thuật đó, ảnh hưởng trực tiếp bởi lối sống thường ngày của họ. Thật vậy, nền văn hóa đó không đi ngược lại với đức tin của con người vào Thiên Chúa. Bởi vì, Thiên Chúa ban cho con người lí trí để phân biệt và hành động theo lương tâm của mình. Và đức tin là một hành vi nhân linh, tức là con người tin và Thiên Chúa và gắn bó với những chân lý do Ngài mặc khải không đi ngược lại với tự do và trí khôn của con người. Thực tế đã cho chúng ta thấy rằng, các bộ môn văn hóa hay lối sống văn hóa tốt đẹp của con người là cách thức để mỗi người biểu thị đức tin của mình. Đức tin là một hành vi nhân linh, bởi vậy, đức tin và văn hóa luôn song hành với nhau để hướng tới Thiên Chúa.  

Trong đức tin, con người được tự do đón nhận Thiên Chúa. Thiên Chúa ban đức tin cho con người để mỗi người phục vụ Ngài trong tinh thần và chân lý. Qua dòng lịch sử thời gian của Giáo hội ta thấy rằng, Giáo hội luôn mời gọi con cái trong gia đình nhân loại đến với mình, và Giáo hội không bao giờ dùng những cách thức để chiêu dụ người ta. Bởi vậy, trong đời sống đức tin, mỗi người sẽ có cách riêng để sống và thể hiện đức tin của mình. Cũng vậy, trong đời sống văn hóa, tuy rằng có những con người cùng một dân tộc, cùng một ngôn ngữ, nhưng mỗi người sẽ có nét văn hóa riêng. Con người là một tổng hòa văn hóa. Trong kiến trúc nghệ thuật, có người thích thế này, người thích thế khác. Trong quan niệm sống, cùng một vấn đề nhưng người này có quan niệm khác người kia, và còn nhiều lĩnh vực khác nữa, mỗi người sẽ có một nét riêng cho mình. Tuy vậy, mọi thứ phải được chiếu rọi dưới ánh sáng Tin mừng của Thiên Chúa, vì lệ thuộc vào Thiên Chúa làm cho con người được tự do hơn. Thật vậy, đức tin là một hành vi tự do để mỗi người, diễn tả nét văn hóa riêng của mình.

Nền khoa học của con người đang ở giai đoạn phát triển, nhờ khoa học con người đã đạt được những thành tựu to lớn. Ngày nay con người có thể bay tới cung trăng, lặn xuống đáy biển sâu, và người ta cũng đã sáng chế ra nhiều thiết bị, máy móc hiện đại để phục vụ cuộc sống con người. Các lĩnh vực nghệ thuật cũng bước sang trang sử mới, các dòng nhạc khác nhau ra đời để phục vụ cho mọi lứa tuổi và sở thích riêng của từng người, nghệ thuật kiến trúc xây dựng... cũng đảm bảo được mọi nhu cầu của mọi người. Thật vậy, trong một nền văn hóa đa dạng như thế, một nền văn hóa, hầu như có thể thỏa mãn được niềm khao khát của con người, làm cho người ta nghĩ rằng: “đức tin không còn chổ đứng trong nền văn hóa hiện đại”. Tuy nhiên, càng khám phá ra sự văn minh, người ta càng nhận biết Thiên Chúa. Thánh Phao-lô cũng đã khẳng định rằng: “những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ” (Rm 1, 19). Khi nhà bác học Issac Newton khi quan sát các hành tinh và dải ngân hà đã reo lên rằng: “tôi thấy Thiên Chúa đi qua kính viễn vọng của tôi”. Hay nhà toán học Justus-von Liebig đã nói rằng: “sự vĩ đại và trí khôn vô tận của Đấng Tạo Hóa sẽ chỉ được nhận thấy bởi những người cố công rút ra ý tưởng của mình từ cuốn sách vĩ đại mà chúng ta gọi là thiên nhiên”. Trong các lĩnh vực văn hóa khác, dáng dấp của đức tin cũng được tỏ lộ và qua những nét đẹp của văn hóa người ta thể hiện đức tin của mình ở trong đó. Bởi vậy, đức tin đi vào mọi ngõ nghách của đời sống con người và trở thành một nền văn hóa.

Chúa Giê-su, một con người mang nền văn hóa bởi dân tộc mình. Khi xuống thế làm người, Đức Giê-su được chọn sinh ra trong dòng dõi vua Đa-vít, như lời của sứ thần Giáp-ri-en đã loan báo rằng: “Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người” (Lc 1, 32). Chúa Giê-su được sinh ra trong gia đinh Nagiaret, thân mẫu người là đức Maria, và có thánh Giuse là cha nuôi của Người. Chúa Giê-su được sinh hạ tại Bê-lem, miền Giu-đê, trong Tin mừng cũng đã diễn tả rằng: “phần người, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thánh phố nhỏ nhất của Giu-đa, vì người là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời”. (Mt 2, 6). Thật vậy, đức Giê-su là Thiên Chúa, nhưng khi mặc lấy thân phận con người, Ngài cũng có một tổ quốc, một dòng tộc, một gia đình và một ngôn ngữ. Bởi vậy, đức Giê-su cũng được dạy dỗ và ảnh hưởng bởi nền văn hóa thời đó. Tuy nhiên, khi đứng trước một nền văn hóa còn thiếu yêu thương, thiếu bác ái, nhưng Ngài không hề có ý đinh hủy bỏ đề xây dựng lại, nhưng Ngài đã kiện toàn nền văn hóa đó. Trong Tin mừng Thánh Mát-thêu cũng đã diễn tả rằng: “Thầy đến không phải để bãi bỏ nhưng để kiện toàn” (Mt 5, 17). Chúa Giê-su mang nền văn hóa của dân tộc mình, và Ngài đón nhận một cách chân thành vì Ngài tôn trọng sản phẩm văn hóa của con người.

Môi trường sống của con người hôm nay, thật giả lẫn lộn. Lịch sử con người, đã hun đúc được nhiều nền văn hóa tốt, mang lại các giá trị nhân văn cho con người. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng xuất hiện biết bao nền văn hóa xấu đang đầu độc thế hệ con người hôm nay. Người ta biểu tình để được hệ thống pháp luật cho phép phá thai, sử dụng ma túy, ăn chơi trác táng được coi là nét văn hóa mới của giới trẻ. Con người đề cao những giá trị vật chất, chạy theo chủ thuyết vô thần để loại bỏ Thượng Đế. Văn hóa mặc kệ người khác, chỉ cần mình có lợi là đủ, vì thế, thiên nhiên bị tàn phá, tài nguyên khoáng sản bị khác thác quá mức cho phép. Nền văn hóa đó đã đưa đến hậu quả rất nghiêm trọng cho con người; thiên nhiên lên tiếng, thiên tai lũ lụt bất thường xảy ra khắp nơi. Bị tiêm nhiễm bởi nền văn hóa tiêu thụ, con người dần trở nên vô cảm với nhau và với chính mình. Con người cảm thấy lo âu về chính mình, đức tin bị trống rỗng. Người ta đi tới nhà thờ, chùa chiền, hay các cơ sở tôn giáo khác để cầu nguyện với mục đích mong sao trời ban cho mình có được nhiều của cải, địa vị thăng tiến. Con người dần quên mất đi căn tính đích thực của mình đó chính là tâm hồn. Khi lấy đức tin ra để sống người ta cảm thấy hoang mang với chính đức tin của mình,đức tin đã được thụ huấn ngày hôm đó. Người ta không hiểu đức tin của mình đang đi tới đâu, và đức tin của mình là gì? Thực tại đau thương đó đang xảy ra, bởi vì, người ta không chịu dừng lại cuộc sống, cơm gạo áo tiền để suy tư về những điều thánh thiêng mình đã được lãnh nhận.

Người Công Giáo Việt Nam khi nhắc đến, truyền giáo và hội nhập văn hóa với đức tin, chắc ai cũng nhớ vị truyền giáo, cha Đắc Lộ. Để truyền giáo ở một đất nước xa xôi, khác văn hóa, chữ viết và những tập tục khác, cha Đắc Lộ đã không quản ngại vượt bao khó khăn để truyền rao đức tin cho các tín hữu nơi đây. Khi tới Việt Nam, Ngài đã bỏ ra rất nhiều thời gian để học ngôn ngữ, tìm hiểu văn hóa. Và ngài cũng noi gương Chúa Giê-su, luôn tôn trọng văn hóa của con người bản địa, và dùng nét đẹp văn hóa của họ để cho họ nhận ra Thiên Chúa nơi chính nền văn hóa đó. Cha Đắc Lộ luôn tôn trọng và giữ phong tục tập quán của người Việt Nam, đồng thời đưa ra những thích ứng phù hợp. Những tập tục dị đoan của ba Ngày tết Việt Nam được thay bằng nghi thức kính Ba Ngôi Thiên Chúa. Thay vì cắm cây nêu, Cha đã dựng cây Thánh Giá. Những nghi lễ Công Giáo được tổ chức mang màu sắc phù hợp với tâm tình Việt Nam hơn. Ngày nay chúng ta còn giữ lại một số truyền thống như làm phép nến, dùng cành ô-liu trong ngày lễ Lá, ngắm Thương Khó Chúa Giêsu vào mùa Chay. Cha khuyến khích giáo hữu sáng tác thơ nhạc, giới thiệu Thiên Chúa cho người khác. Để làm được như vậy, cha Đắc Lộ đã suy tư rất nhiều về đức tin của mình, và chính ngài cũng đã đón nhận đức tin của mình một cách chân thành.

Đức tin và văn hóa không đối lập nhau, nhưng luôn song hành cùng nhau. Bởi vì, đức tin và văn hóa đều xuất phát từ ý định của Thiên Chúa; đức tin là một hành vi nhân linh: những chân lý của Thiên Chúa không đi ngược lại với trí khôn và tự do của con người; đức tin là một hành vi tự do, con người được tự do suy tư để biến đức tin ấy trở thành nét văn hóa của dân tộc mình. Và, đức tin cùng với văn hóa đi vào mọi ngõ nghách của đời sống con người. Đức tin và văn hóa của con người luôn được chiếu soi qua lăng kính của ánh sáng Tin mừng, bởi vậy, mọi điều tốt đẹp đều đến từ Thiên Chúa. Vậy, đức tin phải biết suy tư để làm phong phú hóa, và phải đón nhận một cách chân thành để có lòng mến.