Thứ Năm, 24 tháng 9, 2020

 

Tìm Kiếm

Ngay từ lúc được hiện diện trong thế giới này, Thiên Chúa đã ban cho con người một gia đình, để trong gia đình đó, con người được yêu thương. Ngài cũng ban cho con người tất cả mọi sinh vật trong vũ trụ, để con người được làm chủ và hưởng dùng. Như trong Thánh Vịnh đã ca tụng rằng: “Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (Tv 8, 6-7). Tuy nhiên, vì tội nguyên tổ đã làm đổ vỡ mối tương quan mật thiết giữa con người với Thiên Chúa, để hôm nay, dù ở trong lầu hoa đài các, hay là vua chúa quan quyền cho tới những người bé mọn nhất trong xã hội vẫn phải đi tìm kiếm Chúa và khát khao Ngài. Thánh Âu-Tinh cũng đã thốt lên rằng: “Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, nên lòng chúng con khắc khoải cho tới khi được yên nghỉ trong Chúa”.

Trên chuyến hành trình ở chốn dương gian này, con người đi tìm kiếm mọi thứ mà họ thiếu và cần. Sống giữa gian trần này, con người đi tìm của cải, vật chất danh dự. Người ta đi tìm bạn bè, cũng có những người phải đi tìm người thân vì bị thất lạc. Con người đi tìm sự sống, trong lịch sử ghi lại những con người đi tìm thuốc trường sinh bất tử để mong ước có thể sống mãi để hưởng thụ lạc thú ở trần gian mãi mãi. Nhưng dù có tìm kiếm vinh hoa hay phú quý ở trần gian, cũng chưa bao giờ làm con người ta cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn. Và đặc biệt đứng trước cái chết sinh học, người ta muốn đi tìm phương thuốc để cứu chữa nhưng đó chỉ là mộng tưởng do con người dựng nên. Bởi vậy, con người luôn luôn có một tâm thức, đi tìm kiếm Đấng Tạo Dựng. Thật vậy, Thiên Chúa là Đấng mà con người luôn khát khao và kiếm tìm, bởi vì ta cần Ngài và chỉ có Ngài mới thoả mãn những gì ta đang gặp phải. Vậy, tìm kiếm Thiên Chúa là “hành động con người vận dụng để tìm kiếm Đấng Tạo Hoá. Đây là khuynh hướng tự nhiên của con người, một hữu thể tôn giáo. Thiên Chúa đã đặt để nơi con người nỗi khao khát tìm kiếm Ngài, để trong Ngài con người được sống và tìm thấy hạnh phúc” (GLHTCG 30, 45).

Ngay từ lúc tạo dựng, Thiên Chúa đã để cho con người sống trong một cộng đoàn, chứ không phải sống đơn độc và riêng lẻ. Cộng đoàn đầu tiên mà con người sống cùng nhau đó là, các mối tương quan trong đời sống gia đình. Trong sách Sáng Thế đã diễn tả rằng: “Thiên Chúa dựng nên con người có nam, có nữ” (St 1, 27). Từ gia đình mỗi người đã phát triển và mở rộng ra các mối tương quan, bạn bè, hàng xóm, xã hội... Sống trong xã hội loài người, con người đối xử với nhau bằng nhiều mặt khác nhau, con người đối xử với nhau bằng tình huynh đệ yêu thương, nhưng cũng có những con người đối xử với nhau như kẻ thù muôn kiếp. Tuy nhiên, con người được “Thiên Chúa sáng tạo theo hình ảnh của Ngài” (St 1, 27), vì thế trong mỗi một con người đều mang hình ảnh của Thiên Chúa và có một phẩm giá ngang bằng nhau. Bởi vậy, trong mọi mối quan hệ với nhau con người phải tìm thấy Chúa trong tất cả mọi người, để yêu thương và tôn trọng. Để duy trì sự sống thể xác, con người cần làm việc để có miếng cơm manh áo, để có sự công bằng trong xã hội, con người phải tham gia vào các cộng đoàn chính trị và để có một cuộc sống sung túc đầy đủ, con người phải tham gia vào các nghiên cứu khoa học và xã hội. Để được hạnh phúc và sung túc ở đời này, mỗi người cần phải “mang vào” chứ không phải bàng quan trước mọi lĩnh vực trong xã hội. Thật vậy, dù có làm “bất cứ việc gì, hãy tận tâm như thể làm cho Chúa, chứ không phải cho người đời” (Cl 3, 23). Trong mọi công việc mỗi người đều có thể tìm thấy Chúa, vì Ngài luôn hiện diện ở mọi nơi để đồng hành cùng con người.

Trong kiếp sống này, ta thường bận rộn với sự mưu sinh và sự thăng tiến của bản thân. Là con người ai cũng phải mang vác biết bao trách nhiệm và bổn phận mà Thiên Chúa giao phó. Vì thế, nhiều lúc ta cảm thấy mệt nhọc và yếu đuối, vì bản chất của con người là yếu đuối và hay sa ngã. Bởi vậy, đôi lúc ta phải dừng chân, tạm gác lại dòng chảy của cuộc đời, để đến với nhà Chúa, đi vào trong Giáo hội, nơi đó ta được yêu thương, nâng đỡ và dễ dàng tìm gặp được Ngài. Ngay từ lúc mới lọt lòng mẹ, ta được mời gọi đến với Giáo hội, để qua Giáo hội ta được lãnh nhận các bí tích. Trước hết, ta được lãnh nhận bí tích rửa tội, khi lãnh nhận bí tích rửa tội, ta được nên một với Chúa Giê-su. Trong các bí tích ta được gặp gỡ Thiên Chúa và nhờ sự hoạt động của Chúa Thánh Thần trong các bí tích, ta được ban cho nguồn sống mới, được ban cho một “tinh thần trẻ”, để ta đủ sức vượt qua mọi cám dỗ và yếu đuối của phận người. Đến với Giáo hội ta gặp được Chúa trong các giờ kinh, ta được gặp Chúa qua “Lời của Ngài”, ta được hướng dẫn dưới ánh sáng Tin mừng của Chúa, như trong Thánh Vịnh đã dạy ra rằng: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng dẫn đường con đi” (Tv 119, 105).  Để rồi từ đó, khi đứng giữa ngã ba cuộc đời, đứng giữa mọi gánh nặng vất vả của kiếp sống nhân sinh, ta luôn được Lời Chúa dẫn lối đưa đường. Và ở đây, ta được gắn bó mật thiết với Thiên Chúa trong thân thể duy nhất, như Chúa Giê-su đã nói: “Thầy là cây nho, anh em là cành” (Ga 15, 5).

Giữa các hoạt động đời thường, giữa những sinh hoạt tôn giáo, có khi nào ta dừng lại để nghe tiếng lòng mình chưa? Có khi nào ta tự hỏi liệu trong tâm hồn ta có để cho Chúa một chỗ đứng không, và Ngài ở vị trí nào trong tâm hồn của ta? Trong kinh nghiệm lịch sử Cựu Ước ta thấy rằng, các tổ phụ khi đứng trước mọi biến cố đều một mình “lên núi cầu nguyện” với Chúa. Trong Thánh Kinh Tân Ước, ta thấy hình ảnh của Chúa Giê-su, dù rằng Ngài là Thiên Chúa, nhưng ta thấy mỗi ngày Ngài đều tránh xa chốn ồn ào, huyên náo, tạm gác mọi công việc, để tìm một chỗ riêng tư, rồi cùng hàn huyên tâm sự với Chúa Cha. Khi ta tĩnh lặng, mọi ồn ào của cuộc sống, tĩnh lặng các giác quan của mình, lúc đó, ta bước vào một mối tương quan cá vị với Chúa. Để rồi từ đó, Thiên Chúa ngỏ lời với ta những điều mà Ngài muốn ta thực hiện, Ngài cũng sẵn sàng lắng nghe mọi lời giãi bày tâm sự, cầu xin và van nài của ta. Khi sống một cách cá vị với Thiên Chúa, mỗi người nhận ra Thiên Chúa có một vị trí đặc biệt trong trái tim của mình. Thiên Chúa phải luôn đứng hàng đầu trong mọi dự định kế hoạch, trong mọi lời nói cũng như việc làm của ta, bởi vì nếu “không có Thầy anh em chẳng làm gì được” (Ga 5, 15). Bởi vậy, tìm Chúa trong tâm hồn mình là điều cần thiết, để ta nhận biết Ngài là ai đối với cuộc đời của ta.

Dù rằng Thiên Chúa luôn hiện diện trong mọi khoảnh khắc của đời sống chúng ta, nhưng có nhiều lúc ta đi tìm nhưng sao chẳng thấy? Xã hội hôm nay đầy biến động, dịch bệnh lan tràn giết chết hàng ngàn người, sự ác đang tràn lan, con người ganh ghét, hận thù chém giết lẫn nhau. Các quốc gia vì hám lợi, ôm mộng bá chủ trái đất mà chạy đua quân sự, vũ trang, coi mạng người như cỏ rác. Con người cảm thấy hoang mang khi lấy đức tin của mình soi chiếu vào khoa học, xã hội, văn hoá. Ngay trong chính Giáo hội là nơi được chiếu dãi ánh sáng Tin mừng, nhưng những “scandal” lạm dụng tình dục trong hàng giáo sĩ và bao nhiêu tội lỗi khác mà một số nhỏ “các chi thể” trong Giáo hội vương phải, làm cho dân Chúa hoang mang. Đứng trước một thực tại đau buồn như vậy, con người dần mất phương hướng, họ bắt đầu tự hỏi liệu có còn Thiên Chúa không, hay Ngài đã chết rồi? Dẫu trong hoàn cảnh nào, dù sự ác lan tràn khắp mặt đất, hình ảnh Thiên Chúa có bị con người đưa vào làm “bức tranh của quá khứ”, nhưng Lời Chúa vẫn vang mãi và Ngài luôn hiện diện. Thánh Phao-lô đã xác quyết rằng: “một khi Đức Ki-tô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Ngài chết nữa, cái chết không còn quyền chi đối với Người” (Rm 6, 9). Bằng chứng rõ nét nhất về sự hiện diện luôn luôn của Thiên Chúa là từ khi Giáo hội được thành lập, đã trải qua biết bao gian nan khốn khó, các thế lực sự dữ trong và ngoài Giáo Hội ra sức tàn phá, nhưng Giáo hội luôn đứng vững, bởi Chúa Giê-su đã khẳng định rằng: "Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được" (Mt 16,18). Hơn nữa, ở cuối Tin mừng của Thánh Mát-thêu, Chúa Giê-su cũng đã hứa rằng: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).

Con người ở mọi thời luôn phải đi tìm kiếm Chúa, bởi con người luôn khao khát Ngài và con người chỉ được sống và no thoả khi ở trong Ngài, như trong Tin mừng đã diễn tả: “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh nhưng còn bởi Lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4, 4). Ngay trong chính ơn gọi của mỗi người, mỗi ngày ta luôn phải đi tìm, để biết Thánh ý của Chúa và hành động theo ý muốn của Ngài. Bởi vì, con người chỉ đạt tới hạnh phúc trọn vẹn khi thi hành ý muốn của Thiên Chúa và gắn bó với Ngài. Vậy, nhiệm vụ chính yếu của con người là đi tìm kiếm Chúa, để nhận ra và đón nhận tình yêu thương của Ngài, để rồi từ đó ta dám lên đường ra đi tới các “vùng ngoại biên” để ra truyền Lời Chúa. Trong chốn dương thế này, ta biết tìm kiếm Chúa và giữ luật yêu thương của Ngài thì mai này ta sẽ được hưởng hạnh phúc với Ngài, như Chúa Giê-su đã hứa rằng: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em” (Ga 14, 2).