Thứ Năm, 31 tháng 10, 2019

Lạnh!
Tại sao trời đổ cơn mưa cho không khí thêm lạnh giữa tiết trời mùa đông? Sau mùa xuân êm đềm và mùa hạ dịu dàng trời bắt đầu chuyển mùa với cái lạnh cắt da cắt thịt. Tại sao Tạo Hóa không ban phát chỉ hai mùa xuân, hạ mà thôi nhưng sao còn đổ thêm thu đông xuống trần gian làm gì? Phải chăng tiết trời đổ không khí "lạnh" để nhắc nhở con người cần phải nhìn nhận lại hành trình sống của chính mình. Tại sao phải nhìn lại? Nhìn lại để làm gì? Thật vậy, con người ở mọi thời đều phải đi tìm mình là ai? Vì thế mỗi người cần phải nhìn lại những hành trình sống đã qua của mình để thay đổi, để nhìn ra những cái "lạnh" cái vô cảm, mà những lúc bước đi trên đường đời dù vô tình hay hữu ý mình đã đưa cái "lạnh" ra để đối xứ với tha nhân. Hôm nay giờ đã bắt đầu giao mùa, cái lạnh đã tràn về. Lúc này đây hầu hết mỗi người ai cũng cảm nhận được cái lạnh ngấm vào từng thớ thịt của mình. Tuy nhiên, cái lạnh của đất trời là chuyện hiển nhiên xưa nay vẫn vậy đó là quy luật của trời đất mà Tạo Hóa đã ban tặng. Nhưng còn cái "lạnh" của con người thì đáng để mỗi người suy nghĩ và nhìn lại.
Nhìn vào thực trạng xã hội hôm nay, cái "lạnh" tràn lan đã về trên quê hương đất nước VN. Qua ánh mắt con người trao cho nhau cái "lạnh". Đi ngang qua nhau dù giáp mặt nhau nhưng con người vẫn trao cho nhau ánh mắt lạnh lùng không một lời chào hỏi. Đi ngang qua những người bị nạn, bệnh tật đau yếu con người trao cho nhau quả tim giá băng, không một chút rung cảm. Vừa mới đây thôi 39 mạng người ra đi, chết một cách tức tưởi nhưng hình như nhà cầm quyền nơi quê hương của họ, nơi mà đáng ra họ phải được hưởng một cuộc sống an sinh tốt lành mà nhà cầm quyền phải có trách nhiệm tạo ra cho họ. Nhưng không nhà cầm quyền đã ban phát cái lạnh khi họ đang còn sống để họ phải liều mạng đi tìm chốn bình an. Bây giờ họ đã mất, họ đã thất bại trong công cuộc đi tìm miền đất hứa ở trần gian. Dù họ đã mất nhưng nhà cầm quyền vẫn "lạnh" vẫn không một lời hỏi thăm các gia đình nạn nhân, vẫn dửng dưng vô cảm không muốn nhìn nhận những người bị nạn kia là công dân của nước mình.
Cái "lạnh" đã và đang về trên quê hương đất nước. Cái "lạnh" như đã trở thành luật bất thành văn để con người đối xử với nhau. Hôm nay, giáo hội long trong mừng đại lễ các Thánh nam, nữ. Qua Thánh lễ hôm nay giáo hội cũng muốn để con cái của mình chiêm ngắm lại đời sống của các Ngài. Các Ngài là những người đã can đảm chống lạnh cái "lạnh" của con người để tiến lên mang hơi ấm tính yêu đến với tha nhân, và các Ngài đã bỏ mình để mang tình yêu của Chúa Kitô đến với mọi người. Xin các Ngài nhìn đến quê hương VN đang tràn ngập trong cái "lạnh" của lòng người. Xin các Ngài nhìn đến để thương biết đổi chúng con là những con người đang lữ hành, biết mang hơi ấm tình yêu đến với tha nhân.

Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2019


“Con đang chết dần vì ngạt thở. Con xin lỗi mẹ!” đó là lời nhắn của em Trà My trước khi chết, một trong 39 nạn nhân ở Anh. Khi đọc thấy lời nhắn của em gửi cho người thân, tôi có một vài suy tư:
  •         Con người hôm nay bị ngạt thở vì môi trường bị tàn phá. Người ta khai thác môi trường với một mục đích duy nhất là lợi nhuận kinh tế. Chỉ vì muốn tiền đầy nhà vàng chất đống nên người ta hủy hoại môi trường một cách không thương tiếc. Nhìn vào thực trạng hiện nay dù không phải là một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về vấn đề biến đổi khí hậu mỗi người ai cũng tự nhận thức được thiên nhiên đang bị thay đổi cách bất thường. Từ môi trường biển cho đến núi đồi mọi sinh vật sống ở các môi trường đều đang gào thét để được sinh tồn và phát triển. Vùng biển cá chết hàng loạt vì nhiễm độc, vùng núi cây xanh bị chặt phá không thương tiếc, các loại động vật quý hiếm đang dần đi tới sự tuyệt chủng. Khi con người tàn phá môi trường thì chính con người cũng đang nhận lấy hậu quả mà mình đã gây ra. Không khí bị ô nhiễm, thời tiết trở nên bất thường. Ngày xưa ánh dương dịu dàng chiếu sáng để cùng con người bắt đầu một ngày mới với biết bao nhiêu dự tính, thì hôm nay những tia nắng chói chang như muốn xé toang đất trời.
  •         Con người hôm nay bị ngạt thở vì kiếp sống nhân sinh. Vấn đề việc làm của xã hội VN hôm nay đang bị khủng hoảng nghiêm trọng. Số lượng người bị thất nghiệp ngày càng gia tăng. Vì thế để đảm bảo cho cuộc sống đủ cơm no áo ấm một số người phải chấp nhận tha phương cầu thực. Để mong một ngày nào đó sự hy sinh khi phải rời xa gia đình để đến một nơi xa lạ (Châu Âu, Châu Á...) làm việc được đáp đền một cách xứng đáng. Trên chuyến hành trình để tìm một miền đất hứa như họ thầm nghĩ, một số người may mắn được đến nơi mà mình đã nhắm, còn một số con người xấu số thì phải bỏ mạng dọc đường, một số người cũng đến được nơi mà họ đã nhắm tới nhưng khi tới nơi thì không còn là họ toàn vẹn nữa nhưng chỉ còn lại thân xác của họ mà thôi còn linh hồn của họ thì đã bay cao về nơi mà họ đã được sinh ra.
  •          Con người hôm nay bị ngạt thở vì nhân tâm mục rỗng tình yêu nhường chổ cho những toan tính ích kỉ hận thù. Mỗi ngày trên các trang mạng xã hội hay trên các mặt báo hầu như đều có những tin tức: giết người, trộm cắp, cướp giật...vv. Con người hôm nay đối xử với nhau như những con thú, mắt đền mắt, răng đền răng. Nợ máu phải trả bằng máu, đèn nhà ai người ấy rạng. Sự ích kỉ của con người được đẩy cao tới tột đỉnh, mọi giải quyết mâu thuẩn hầu như đều dùng bạo lực để giải quyết. Tình yêu bị con người bỏ lại đằng sau và coi tình yêu chỉ là vẻ đẹp của quá khứ, bạo lực được thay thế cho tình yêu.

Vậy thì bởi đâu xã hội VN đến nông nổi này? Bởi đâu mà hằng năm đều có những con người bất chấp tính mạng để vượt biên? Với mong muốn tìm đến chân trời mới, nơi đó có thể đáp ứng mọi nhu cầu vật chất và nơi đó có tình yêu, hạnh phúc và sự bình an. Nếu con người trong xã hội VN được giới cầm quyền quan tâm tới đời sống của họ, cho họ một môi trường an sinh xã hội tốt thì đâu đến nỗi có những người phải bỏ mạng nơi biển cả, bỏ mạng trong các thùng xe. Chuyện gì cũng có nguyên nhân gốc của nó, nguyên nhân gốc đó tôi nghĩ là do xã hội VN đang tôn sùng chủ nghĩa Marx một cách thái quá. Marx chủ trương đạo đức của con người phụ thuộc vào các cơ sở hạ tầng (những điều kiện vật chất, kinh tế và xã hội đó, Marx gọi là cơ sở hạ tầng) của xã hội. Marx cũng cổ vũ bạo lực qua câu nói: “toàn lịch sử chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp”. Đối với Marx lịch sử chỉ là một chuỗi các cuộc đấu tranh để giành tư liệu sản xuất. Xã hội VN đang đi theo chủ trương của Marx vậy thì chẳng khác nào những người đứng đầu đất nước VN cũng đang chủ trương đạo đức con người được đo bằng các giá trị vật chất, và con người luôn phải đấu đá nhau để tranh giành những giá trị vật chất về phía mình. Theo chủ trương đó chẳng khác nào họ bảo rằng xã hội này không có chổ cho một tình yêu thuần túy.  Chính khi loại bỏ tình yêu ra khỏi đời sống của mình thì lúc đó con người sẽ bị ngạt thở và sẽ dẫn tới sự chết- chết sự yêu thương, chết sự đồng cảm, chết đi tính người.
Trên đây là những ý kiến cá nhân không mong muốn sẽ thay đổi được ai cả nhưng tôi chỉ viết nên một số suy tư để tự đánh động chính mình về môi trường sống hiện tại mà tôi đang sống. Cuối cùng tôi cầu mong cho linh hồn các anh chị em là tất cả 39 nạn nhân xấu số bị mất trong thùng xe được sớm về nơi mà mình đã được sinh ra. Tôi sẽ cầu nguyện cho các bạn!



Thứ Hai, 6 tháng 5, 2019

Tuổi Trẻ Và Giáo Hội
Trong mọi lúc thuộc mọi thời đại, người trẻ có một vai trò đặc biệt quan trọng trong xã hội và Giáo Hội. Người ta thường nói tuổi trẻ là tương lai của xã hội và Giáo Hội. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô không muốn người trẻ mãi mộng ước đến tương lai mà quên đi giây phút hiện tại nên ngài đã nói rằng: “Là những Ki-tô hữu trẻ, các bạn không những chỉ là một thành phần của tương lai Giáo Hội; các bạn còn là một thành phần thiết yếu và yêu quý của Giáo Hội hiện đại. Các bạn là hiện tại của Giáo Hội, dù là “khi làm việc, học hành, hay đã bắt đầu một chức nghiệp, hoặc đã đáp trả ơn gọi lập gia đình, theo đuổi đời sống tu trì hay linh mục”.

            Mỗi ngày có bốn buổi: sáng, trưa, chiều, tối. Mỗi năm có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Cuộc đời con người cũng vậy được xoay vần theo các giai đoạn: tuổi trẻ, tuổi trưởng thành và tuổi già. Người trẻ chính là buổi sáng – bình minh hay là mùa xuân cuộc đời. Tuổi trưởng thành là buổi ban trưa hay mùa hạ của cuộc đời và buổi xế chiều – hoàng hôn hay mùa thu – đông là tuổi đời xế bóng của kiếp người. Buổi sáng bình minh bắt đầu ló rạng để bắt đầu một ngày mới đầy sức sống. Người trẻ cũng vậy, đó chính là buổi bình minh là mùa xuân để bắt đầu một cuộc đời đầy sinh lực và giàu nghị lực sống. Người trẻ hội tụ mọi năng lực, sinh khí của đất trời. Nơi người trẻ là cả một dự án của tương lai và những nổ lực, cố gắng của hiện tại. Vì thế, nếu người trẻ biết ý thức sống hiện tại giây phút của tuổi trẻ thật tốt thì sẽ có một tương lai sáng lạng. Mỗi buổi sáng người ta thức dậy ngắm bình minh, có người ngắm bình minh vì thú vui tao nhã, nhà thơ ngắm bình minh để ngâm thơ, nhạc sĩ ngắm bình bình để sáng tác nhạc phẩm. Vậy người trẻ ngắm bình minh để làm gì? Phải chăng để ý thức rằng: mình chính là giây phút hiện tại của buổi bình minh là phút giây hiện tại của mùa xuân, từ đó để nhận biết được sự hiện diện của mình, biết mình là ai để hướng tới tương lai mà người trẻ đang mơ ước. Và từ đó cũng nhận thức được rằng mình là một thành phần không thể thiếu trong xã hội, mình chính là lúc này và mai sau của xã hội và Giáo Hội.
            Xã hội hôm nay với lối sống tục hóa nhân danh chủ nghĩa vô thần loại bỏ Thượng Đế, có một số người đi theo linh đạo loại bỏ Thượng Đế ra khỏi cuộc đời. Họ chấp nhận có Trời cao, có một vị Thần Minh nào đó đang tồn tại nhưng họ lại cho rằng vị Thần đó nằm ngoài cuộc đời của họ và Ngài chẳng động chạm gì đến mọi biến cố trong cuộc đời của họ. Sống trong một xã hội nhũng loạn như thế người trẻ hầu như bị ý thức hệ hóa, họ rơi vào cạm bẫy cuộc đời, sống không ngày mai. Họ bảo nhau rằng: trẻ không ăn chơi già hối hận. Giây phút hiện tại của họ là những cuộc vui nơi các quán nhậu, là những cái lắc lư theo tiếng nhạc của vũ trường. Có một số người thì xem quá khứ là khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời của họ. Đối với họ quá khứ là thiên đường, hiện tại đầy chông gai và tương lai thì mù tối. Họ mãi ôm quá khứ để nuối tiếc, trong một ngày sống hai chữ “nếu như” và “giá như” cứ lặp lại trên môi của họ. Còn một số người trẻ khác thì chủ trương nghĩ đến tương lai nhưng quên đi hiện tai. Họ chìm đắm trong giấc ngủ để quên đi hiện tại, họ nghĩ đến tương lai để từ chối đối diện với khó khăn của hiện tại. Họ nghĩ rằng: ngày mai mình sẽ đổi đời, ngày mai mình sẽ được làm ông này, bà nọ, ngày mai mình sẽ là anh hùng siêu nhân thay đổi thế giới. Họ chỉ nằm và mộng tưởng về tương lai nhưng không biết đứng lên xây dựng nền móng hiện tại để có ngôi nhà tương lai.
            Bất cứ ai được sinh ra trong đời cũng có ước mơ: ước mơ sau này mình sẽ làm việc này việc nọ, sẽ trở thành người này, người kia. Người ta thường nói: ước mơ thì không bị đánh thuế, vì thế cứ thoải mái mà mơ ước đi. Thật vậy, giấc mơ chính là niềm hy vọng của cuộc đời, là động lực để con người hướng tới và sống có ý nghĩa hơn. Có người nói rằng: muốn thành công thì phải biết mơ ước. Đúng vậy, làm người thì phải biết mơ ước. Tuy nhiên, chỉ nằm để mơ mộng về tương lai thì chưa đủ nhưng phải biết sống cho giây phút hiện tại. Nếu có ai đó mơ ước ngày mai có một ngôi nhà đẹp mà ở giây phút hiện tại họ không góp nhặt từng viên gạch, viên đá, hay ngay tại giây phút hiện tại họ không xây móng thì làm sao ngày mai có được ngôi nhà. Ngày xưa Chúa Giê-su cũng dạy các môn đệ rằng: “anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy”. (Mt 6, 34) Khi nói như thế Đức Giê-su muốn các môn đệ hãy sống tốt giây phút hiện tại, lúc này gieo hạt gì thì ngày mai gặt quả đó. Ở giây phút hiện tại mà lo vun trồng chăm bón thì ngày mai sẽ được hoa thơm quả ngọt. Nhưng nếu như chỉ sống với hiện tại và tương lai mà bỏ qua quá khứ thì chưa đủ. Sống trên đời có nghĩa lí gì nếu không có quá khứ, lịch sử cuộc đời. Quá khứ nơi con người tìm về khi cảm thấy mỏi, là nơi người ta hoài niệm để tri ân. Tuy vậy, không thể sống mãi trong quá khứ, vì quá khứ là cái đã qua đi. Ta chỉ dùng quá khứ để rút ra bài học để rồi chấn hưng hiện tại và hướng tới tương lai tốt hơn.
            Giữa một xã hội đầy tính thế tục người trẻ trong Giáo Hội cần phải sống chứng nhân mỗi ngày. Khi người trẻ mỗi ngày mang hình ảnh Thiên Chúa Thương Xót đến với mọi người, khi mỗi ngày người trẻ sống để cho những người xung quanh nhận biết Giáo Hội là nơi yêu thương thì lúc đó người trẻ đang xây dựng Giáo Hội. Sáng sớm rồi đến chiều tối đó là quy luật của đất trời. Con người cũng vậy ai được sinh ra rồi một ngày cũng trở về với cát bụi. Vì vậy, người trẻ sẽ là chủ nhân tương lai của Giáo Hội khi mai đây những bậc tiền bối sẽ ra đi về với cội nguồn của mình. Vì thế, người trẻ sống tốt ở giây phút hiện tại nhưng phải có định hướng tương lai rõ ràng. Hôm nay người trẻ là: học sinh, bác sĩ, linh mục, tu sĩ... dù đang ở vị trí nào, nghành nghề nào thì người trẻ cũng có thể làm chứng nhân để xây dựng Giáo Hội. Vì nơi người trẻ có một sức sống và tinh thần mãnh liệt. Sức trẻ kết hợp với ơn biến đổi của Chúa Thánh Thần thì dù có đi đến hải ngoại xa xôi hay đi vào rừng thiêng nước độc để trao ban tình yêu, người trẻ đều có thể làm được và không từ nan.  Biết bao nhiêu người trẻ hôm nay dám ra đi để “tử đạo”. Mỗi ngày sống trôi qua người trẻ luôn nhắc mình phải sống “tử đạo” với giây phút hiện tại. Tử Đạo không chỉ là hy sinh mạng sống nhưng còn là sống quên mình và luôn sống vì người khác.
            Nơi các Thánh Tử Đạo người trẻ học được tinh thần quả cảm, dám ra đi lên đường, dám chết vì đức tin và tình yêu Thiên Chúa để làm trổ sinh ra các tín hữu. Ngoài các Thánh Tử Đạo thì Đức Ki-tô là mẫu gương tuyệt vời để người trẻ noi theo. Khi xuống thế làm người Đức Ki-tô cũng mang niềm hy vọng giải thoát con người. (ĐHV) Để đạt tới hy vọng là cứu con người thoát khỏi tội  Đức Ki-tô đã sống tốt giây phút hiện tại của mình. Trong Thánh Kinh đã diễn tả rất rõ rằng: “Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”. (Lc 2, 40) Noi gương Đức Giê-su người trẻ cần phải sống tốt giây phút hiện tại và vươn mình tới tương lai để Giáo Hội được ngày càng triển nở về mọi mặt.


            Người trẻ là hiện tại và tương lai của Giáo Hội. Người trẻ chính là sức sống của Giáo Hội vì nơi người trẻ có một sức sống mãnh liệt. Qua người trẻ Giáo Hội có thể vươn mình, qua người trẻ Giáo Hội có thể gửi tình yêu thương của mình đến các vùng ngoại biên xa xôi. Và chính đời sống chứng nhân hằng ngày của người trẻ làm sáng lên khuôn mặt của Giáo Hội Tình Yêu. 

Thứ Năm, 4 tháng 4, 2019


Hôn Nhân $ Gia Đình

Ngay từ thuở ban đầu Thiên Chúa đã thiết lập định chế hôn nhân. Với mong muốn con người sống hạnh phúc và cùng nhau tiếp tục thực hiện công trình tạo dựng của Ngài. Thiên Chúa đã tạo dựng có “nam” có “nữ”. Để rồi người nam và người nữ cùng đồng hành với nhau và giúp nhau hoàn thiện bản thân mình. Tuy vậy, xã hội hôm nay với lối sống tục hóa và nhân danh chủ nghĩa duy vật đã làm cho đời sống hôn nhân, gia đình gặp nhiều khủng hoảng. Nhận thấy được thực trạng đó ĐTC Phanxicô đã đưa ra lời cảnh báo và kêu gọi rằng: “Con người ngày nay đang sống trong sự khủng hoảng văn hóa đời sống hôn nhân và gia đình, thế nhưng không phải vì thế mà đời sống hôn nhân và gia đình mất đi tầm quan trọng của nó. Gia đình là nơi để chúng ta biết yêu thương trong sự khác biệt là nơi cha mẹ truyền lại cho con cái những giá trị quý giá đặc biệt là đức tin.”

Thật vậy, thực trạng xã hội hôm nay người ta đề cao giá trị vật chất. Người ta tôn đồng tiền lên làm ông chủ và là mục đích tối hậu của cuộc đời. Đồng tiền được con người thần thánh hóa. Các giá trị vật chất đó đã len lõi và mọi ngõ ngách của mọi đời sống và các mối tương quan của con người. Dẫu biết rằng đồng tiền có thể giúp con người sống tiện nghi hơn, đầy đủ hơn. Và đồng tiền cũng rất cần để con người trang trải cuộc sống tốt hơn. Nhưng không phải vì thế mà đề cao các giá trị vật chất để rồi bỏ qua các giá trị thượng đẳng là bác ái và yêu thương.  Đã có biết bao gia đình đổ vỡ hôn nhân vì mãi chạy theo những giá trị vật chất. Các mối tương quan: vợ - chồng, cha mẹ - con cái bị rạn nứt một cách trầm trọng. Ngày hôm nay các giá trị vật chất được người ta dùng để làm thước đo cho danh dự và phẩm giá của con người. Người chồng (vợ) phải làm được nhiều tiền mới được tôn trọng. Cha mẹ giàu có mới được con cái kính nể. Và còn biết bao nhiêu thực trạng đau buồn khác đang xảy ra trên khắp trái đất này.
          Vì quá đề cao giá trị vật chất mà một số cặp vợ-chồng ngày hôm nay quên đi bổn phận và trách nhiệm của mình. Bổn phận làm người cha, người mẹ. Bổn phận làm người vợ, người chồng. Những người làm con cũng quên đi bổn phận làm con trong gia đình. Đã có biết bao nhiêu người vợ, người chồng bỏ nhà ra đi tìm hạnh phúc mới. Hạnh phúc ngoài giá thú. Vì người vợ, người chồng mãi mê kiếm tiền để xây dựng các giá trị vật chất. Đã có biết bao người con trong gia đình bỏ nhà ra đi tham gia vào các tệ nạn xã hội vì thiếu tình thương của cha-mẹ. Có một số người cha-mẹ hôm nay, vì mải mê kiếm tiền để xây nhà thật to, sắm xe thật đẹp. Để rồi sau khi nhà đã có xe đã mua rồi mới nhìn lại các mối tương quan trong gia đình. Khi đó các mối tương quan còn đâu nữa, các mối tương quan đã bị rạn nứt, cha đi đường cha, mẹ đi đường mẹ, con đi đường con.
          Xã hội hôm nay thật lạ lùng. Nghèo quá cũng đỗ vỡ gia đình, giàu cũng không giữ được mái ấm. Có một số gia đình khi đã đầy đủ các tiện nghi lúc đó họ  chỉ quan tâm đến cá nhân mình. Người cha (mẹ) đi tìm niềm vui riêng mà bỏ rơi gia đình, để cho mái ấm trở nên lạnh lẽo tình nghĩa cha mẹ - con cái, lạnh lẽo tình nghĩa vợ - chồng. Họ chỉ quan tâm đến việc hưởng thụ mà quên đi rằng gia đình là nơi để vun đắp và xây dựng các giá trị yêu thương, là nơi để mỗi thành viên tìm về nghĩ ngơi sau một ngày sống bon chen với người và với đời.
          Đời sống con người hôm nay, các giá trị đạo đức bị đảo lộn. Con người đã để cho chủ nghĩa duy vật len lỏi vào tâm thức. Từ đó con người bị chủ nghĩa duy vật làm xói mòn các giá trị đạo đức và nhân phẩm. Khi chạy theo chủ nghĩa duy vật cũng đồng nghĩa với việc họ chối bỏ Thiên Chúa. Để rồi họ sống như cái xác vô hồn. Họ không còn sống nhưng đang cố gắng để tồn tại. Họ sống một đời sống nội tâm trống rỗng vì đã chối bỏ thượng đế là nguồn gốc nơi họ được sinh ra. Vì thế họ không biết quan tâm, chăm sóc và yêu thương lẫn nhau. Họ sống một cách vị kỷ, những giá trị đạo đức bị loại bỏ và họ chỉ xem các giá trị nhân bản là vẻ đẹp của quá khứ.
          Hơn lúc nào hết ngay lúc này các gia đình cần phải xem lại tầm quan trọng của mình. Gia đình chính là một hình thức xã hội thu nhủ và là một giáo hội tại gia. Người chồng (vợ) phải biết nhìn nhận vợ (chồng) mình như là chính máu thịt của mình. Người chồng người vợ phải biết tôn trọng và yêu thương lẫn nhau. Người cha (mẹ) đã đến lúc dừng lại những thứ phù phiếm bên ngoài. Để rồi tự vấn lại các bổn phận mình phải chu toàn. Đã bao lâu vợ chồng chưa nắm tay nhau? Đã bao lâu rồi chưa có bữa cơm gia đình? Đã bao lâu rồi vợ chồng chưa trao gửi yêu thương cho nhau? Đã bao lâu rồi cha mẹ không nói chuyện với con cái?  Đã đến lúc các cặp vợ chồng phải nhìn nhận ra rằng: tình yêu và bổn phận là những điều không thể thiếu trong gia đình.
          Thậy vậy, chính cách thức cha mẹ yêu thương nhau là nền tảng để giáo dục con cái biết yêu thương. Lúc cha mẹ chu toàn bổn phận đó chính là gương sáng để cho con cái noi theo. Và hơn hết các bậc cha mẹ phải làm cho đời sống nội tâm của con cái trở nên phong phú qua cách giáo dục. Đặc biệt cha mẹ phải xây dựng niềm tin vào Thiên Chúa cho con cái của mình. Để rồi những đứa trẻ biết nhìn nhận Thiên Chúa là cha. Khi nhìn nhậ Thiên Chúa là cha thì những đứa con đó sẽ biết đón nhận và học hỏi các giá trị thượng đẳng qua lời Chúa.

          Thực trạng của các gia đình hôm nay đầy những khó khăn và thách đố. Họ bị khủng hoảng trong hai mối tương quan. Mối tương quan giữa họ với thế gian và mối tương quan giữa họ với Thiên Chúa. Vì thế hiện nay các gia đình phải biết xây dựng đời sống hôn nhân trong tình yêu. Để rồi mỗi người trong gia đình luôn nở nụ cười. Những đứa con luôn được mang lấy niềm hạnh phúc vì được yêu và biết yêu.

Thứ Ba, 2 tháng 4, 2019

Đừng Sợ

Con người có bảy loại tình cảm gọi đó là thất tình. Bảy loại đó là: “hỉ, nội, ái, ố, ai, cụ, dục”. Trong đó có loại tình cảm sợ hãi. Như thế, tự bản chất con người đã mang trong mình sự sợ hãi. Người sợ cái này, người sợ cái kia. Người xưa có câu: “trẻ sợ ma, già sợ chết”. Nỗi sợ luôn bám lấy con người suốt cuộc hành trình trên chốn dường gian này. Còn sống là còn sợ.

          Xã hội hôm nay người ta sợ làm điều thiện. Sợ thực thi các giá trị đạo đức. Người ta sợ làm điều thiện vì không muốn bản thân mình vướng phải rắc rối, chỉ muốn mình được yên thân. Cũng có thể người ta sợ làm điều thiện vì xã hội bất công. Công lí bị bẽ gãy, sự thật bị bóp méo. Vừa mới đây thôi có một anh tài xế ở tỉnh Đắc Lắc khi đang lưu thông trên đường, anh nhìn thấy một bé trai vừa đi vừa khóc giữa đường. Với bản tính lương thiện của mình, anh dừng xe hỏi thăm cháu bé và sau đó đưa cháu bé lên xe với mục đích giúp cháu bé tìm ra người nhà. Nhưng lạ lùng thay lòng tốt của anh được đáp trả bằng bản án bất lương, phi nhân tính. Anh bị kết án hai năm tù giam vì tội “giữ người trái pháp luật”. Xã hội hôm nay các giá trị bị đảo lộn. Người ta muốn thực thi lòng tốt cũng không được. Muốn làm việc thiện cũng phải xin phép chính quyền nếu không sẽ bị kết tội. Chính xã hội đã tạo thêm nỗi sợ hãi cho con người.
          Thật vậy, với thực trạng xã hội hôm nay để con người quên đi nỗi sợ rồi thực thi các giá trị đạo đức quả là một điều khó khăn. Tuy vậy, khó nhưng không phải là không làm được. Giữa một xã hội đầy tính thế tục nhưng vẫn có những con người can đảm vươn lên nỗi sợ để vươn tới làm một con người hoàn thiện. Còn đó những con người dám từ bỏ chính mình để lao mình về phía trước. Họ đã bỏ lại sợi dây ràng buộc là sự sợ hãi để rồi dấn thân ra những vùng ngoại biên xa xôi để thực thi lòng nhân ái.
          Trong tiến trình của cuộc sống hôm nay cần lắm một lối đi riêng. Lối đi ngược với dòng đời. Lối đi bỏ lại sự “sợ hãi” nhưng thay vào đó là “đừng sợ”. Con người hôm nay dễ dàng thỏa hiệp với chính mình trong những điều xấu. Người ta buông mình trong vũ trường, chìm đắm cơn say trong men rượu. Bất chấp mọi thủ đoạn để thỏa mãn tính dục. Xã hội đang bị băng hoại với lối sống dễ dãi và hưởng thụ. Vì thế hơn lúc nào hết mỗi người cần nhìn nhận lại chính mình, để can đảm đứng lên lội ngược dòng để rồi thực thi các giá trị đạo đức, bảo tồn tính nhân văn của con người.
          Lội ngược dòng thì rất vất vả và mệt. Có thể một lúc nào đó ta sẽ bị gục ngã vì những khó khăn và mệt nhọc. Vì thì thế mà mỗi người phải luôn mang trong mình niềm hy vọng. Và đừng bao giờ để các giá trị xấu cướp đi niềm hy vọng. Mỗi người phải mang trong mình niềm hy vọng để nhìn về tương lai một cách tươi sáng hơn. Tự bản chấn con người là yếu đuối và hay thay đổi. Vì thế niềm hy vọng lớn nhất của mỗi con người là bắm chặt lấy tay Chúa. Đừng bao giờ buông tay Ngài ra. Chúa Giêsu cũng đã khẳng định rằng: “không có thầy, anh em sẽ không làm gì được”. Thiên Chúa luôn mời gọi mỗi người hãy đặt niềm hy vọng nơi Ngài. Để cho Ngài biến đổi và để cho Ngài hoạt động trong chính mỗi người. Để rồi mỗi người là khí cụ của Thiên Chúa. Khi đã đặt hết niềm hy vọng vào Chúa thì người ta sẽ không sợ bất cứ điều gì nữa. Họ sẽ can đảm, dám liều mình tiến lên phía trước lội ngược các giá trị xấu để thực thi các giá trị đạo đức.

          Lời mời gọi “đừng sợ” được lặp lại ba trăm sáu lăm lần trong Kinh Thánh. Lời mời gọi đó là mong muốn của Thiên Chúa muốn ta được bình an mỗi ngày. Thiên Chúa muốn mỗi ngày ta bỏ lại đằng sau sự sợ hãi để tiến lên lao mình về phía trước mà thực thi sứ vụ yêu thương, sứ vụ làm con Thiên Chúa. Và Chúa muốn mỗi ngày trong đời con người phải có niềm hy vọng nơi Ngài. Để tình yêu của mỗi người được lớn lên và sinh hoa kết trái mỗi ngày.