Thứ Hai, 6 tháng 5, 2019

Tuổi Trẻ Và Giáo Hội
Trong mọi lúc thuộc mọi thời đại, người trẻ có một vai trò đặc biệt quan trọng trong xã hội và Giáo Hội. Người ta thường nói tuổi trẻ là tương lai của xã hội và Giáo Hội. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô không muốn người trẻ mãi mộng ước đến tương lai mà quên đi giây phút hiện tại nên ngài đã nói rằng: “Là những Ki-tô hữu trẻ, các bạn không những chỉ là một thành phần của tương lai Giáo Hội; các bạn còn là một thành phần thiết yếu và yêu quý của Giáo Hội hiện đại. Các bạn là hiện tại của Giáo Hội, dù là “khi làm việc, học hành, hay đã bắt đầu một chức nghiệp, hoặc đã đáp trả ơn gọi lập gia đình, theo đuổi đời sống tu trì hay linh mục”.

            Mỗi ngày có bốn buổi: sáng, trưa, chiều, tối. Mỗi năm có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Cuộc đời con người cũng vậy được xoay vần theo các giai đoạn: tuổi trẻ, tuổi trưởng thành và tuổi già. Người trẻ chính là buổi sáng – bình minh hay là mùa xuân cuộc đời. Tuổi trưởng thành là buổi ban trưa hay mùa hạ của cuộc đời và buổi xế chiều – hoàng hôn hay mùa thu – đông là tuổi đời xế bóng của kiếp người. Buổi sáng bình minh bắt đầu ló rạng để bắt đầu một ngày mới đầy sức sống. Người trẻ cũng vậy, đó chính là buổi bình minh là mùa xuân để bắt đầu một cuộc đời đầy sinh lực và giàu nghị lực sống. Người trẻ hội tụ mọi năng lực, sinh khí của đất trời. Nơi người trẻ là cả một dự án của tương lai và những nổ lực, cố gắng của hiện tại. Vì thế, nếu người trẻ biết ý thức sống hiện tại giây phút của tuổi trẻ thật tốt thì sẽ có một tương lai sáng lạng. Mỗi buổi sáng người ta thức dậy ngắm bình minh, có người ngắm bình minh vì thú vui tao nhã, nhà thơ ngắm bình minh để ngâm thơ, nhạc sĩ ngắm bình bình để sáng tác nhạc phẩm. Vậy người trẻ ngắm bình minh để làm gì? Phải chăng để ý thức rằng: mình chính là giây phút hiện tại của buổi bình minh là phút giây hiện tại của mùa xuân, từ đó để nhận biết được sự hiện diện của mình, biết mình là ai để hướng tới tương lai mà người trẻ đang mơ ước. Và từ đó cũng nhận thức được rằng mình là một thành phần không thể thiếu trong xã hội, mình chính là lúc này và mai sau của xã hội và Giáo Hội.
            Xã hội hôm nay với lối sống tục hóa nhân danh chủ nghĩa vô thần loại bỏ Thượng Đế, có một số người đi theo linh đạo loại bỏ Thượng Đế ra khỏi cuộc đời. Họ chấp nhận có Trời cao, có một vị Thần Minh nào đó đang tồn tại nhưng họ lại cho rằng vị Thần đó nằm ngoài cuộc đời của họ và Ngài chẳng động chạm gì đến mọi biến cố trong cuộc đời của họ. Sống trong một xã hội nhũng loạn như thế người trẻ hầu như bị ý thức hệ hóa, họ rơi vào cạm bẫy cuộc đời, sống không ngày mai. Họ bảo nhau rằng: trẻ không ăn chơi già hối hận. Giây phút hiện tại của họ là những cuộc vui nơi các quán nhậu, là những cái lắc lư theo tiếng nhạc của vũ trường. Có một số người thì xem quá khứ là khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời của họ. Đối với họ quá khứ là thiên đường, hiện tại đầy chông gai và tương lai thì mù tối. Họ mãi ôm quá khứ để nuối tiếc, trong một ngày sống hai chữ “nếu như” và “giá như” cứ lặp lại trên môi của họ. Còn một số người trẻ khác thì chủ trương nghĩ đến tương lai nhưng quên đi hiện tai. Họ chìm đắm trong giấc ngủ để quên đi hiện tại, họ nghĩ đến tương lai để từ chối đối diện với khó khăn của hiện tại. Họ nghĩ rằng: ngày mai mình sẽ đổi đời, ngày mai mình sẽ được làm ông này, bà nọ, ngày mai mình sẽ là anh hùng siêu nhân thay đổi thế giới. Họ chỉ nằm và mộng tưởng về tương lai nhưng không biết đứng lên xây dựng nền móng hiện tại để có ngôi nhà tương lai.
            Bất cứ ai được sinh ra trong đời cũng có ước mơ: ước mơ sau này mình sẽ làm việc này việc nọ, sẽ trở thành người này, người kia. Người ta thường nói: ước mơ thì không bị đánh thuế, vì thế cứ thoải mái mà mơ ước đi. Thật vậy, giấc mơ chính là niềm hy vọng của cuộc đời, là động lực để con người hướng tới và sống có ý nghĩa hơn. Có người nói rằng: muốn thành công thì phải biết mơ ước. Đúng vậy, làm người thì phải biết mơ ước. Tuy nhiên, chỉ nằm để mơ mộng về tương lai thì chưa đủ nhưng phải biết sống cho giây phút hiện tại. Nếu có ai đó mơ ước ngày mai có một ngôi nhà đẹp mà ở giây phút hiện tại họ không góp nhặt từng viên gạch, viên đá, hay ngay tại giây phút hiện tại họ không xây móng thì làm sao ngày mai có được ngôi nhà. Ngày xưa Chúa Giê-su cũng dạy các môn đệ rằng: “anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy”. (Mt 6, 34) Khi nói như thế Đức Giê-su muốn các môn đệ hãy sống tốt giây phút hiện tại, lúc này gieo hạt gì thì ngày mai gặt quả đó. Ở giây phút hiện tại mà lo vun trồng chăm bón thì ngày mai sẽ được hoa thơm quả ngọt. Nhưng nếu như chỉ sống với hiện tại và tương lai mà bỏ qua quá khứ thì chưa đủ. Sống trên đời có nghĩa lí gì nếu không có quá khứ, lịch sử cuộc đời. Quá khứ nơi con người tìm về khi cảm thấy mỏi, là nơi người ta hoài niệm để tri ân. Tuy vậy, không thể sống mãi trong quá khứ, vì quá khứ là cái đã qua đi. Ta chỉ dùng quá khứ để rút ra bài học để rồi chấn hưng hiện tại và hướng tới tương lai tốt hơn.
            Giữa một xã hội đầy tính thế tục người trẻ trong Giáo Hội cần phải sống chứng nhân mỗi ngày. Khi người trẻ mỗi ngày mang hình ảnh Thiên Chúa Thương Xót đến với mọi người, khi mỗi ngày người trẻ sống để cho những người xung quanh nhận biết Giáo Hội là nơi yêu thương thì lúc đó người trẻ đang xây dựng Giáo Hội. Sáng sớm rồi đến chiều tối đó là quy luật của đất trời. Con người cũng vậy ai được sinh ra rồi một ngày cũng trở về với cát bụi. Vì vậy, người trẻ sẽ là chủ nhân tương lai của Giáo Hội khi mai đây những bậc tiền bối sẽ ra đi về với cội nguồn của mình. Vì thế, người trẻ sống tốt ở giây phút hiện tại nhưng phải có định hướng tương lai rõ ràng. Hôm nay người trẻ là: học sinh, bác sĩ, linh mục, tu sĩ... dù đang ở vị trí nào, nghành nghề nào thì người trẻ cũng có thể làm chứng nhân để xây dựng Giáo Hội. Vì nơi người trẻ có một sức sống và tinh thần mãnh liệt. Sức trẻ kết hợp với ơn biến đổi của Chúa Thánh Thần thì dù có đi đến hải ngoại xa xôi hay đi vào rừng thiêng nước độc để trao ban tình yêu, người trẻ đều có thể làm được và không từ nan.  Biết bao nhiêu người trẻ hôm nay dám ra đi để “tử đạo”. Mỗi ngày sống trôi qua người trẻ luôn nhắc mình phải sống “tử đạo” với giây phút hiện tại. Tử Đạo không chỉ là hy sinh mạng sống nhưng còn là sống quên mình và luôn sống vì người khác.
            Nơi các Thánh Tử Đạo người trẻ học được tinh thần quả cảm, dám ra đi lên đường, dám chết vì đức tin và tình yêu Thiên Chúa để làm trổ sinh ra các tín hữu. Ngoài các Thánh Tử Đạo thì Đức Ki-tô là mẫu gương tuyệt vời để người trẻ noi theo. Khi xuống thế làm người Đức Ki-tô cũng mang niềm hy vọng giải thoát con người. (ĐHV) Để đạt tới hy vọng là cứu con người thoát khỏi tội  Đức Ki-tô đã sống tốt giây phút hiện tại của mình. Trong Thánh Kinh đã diễn tả rất rõ rằng: “Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”. (Lc 2, 40) Noi gương Đức Giê-su người trẻ cần phải sống tốt giây phút hiện tại và vươn mình tới tương lai để Giáo Hội được ngày càng triển nở về mọi mặt.


            Người trẻ là hiện tại và tương lai của Giáo Hội. Người trẻ chính là sức sống của Giáo Hội vì nơi người trẻ có một sức sống mãnh liệt. Qua người trẻ Giáo Hội có thể vươn mình, qua người trẻ Giáo Hội có thể gửi tình yêu thương của mình đến các vùng ngoại biên xa xôi. Và chính đời sống chứng nhân hằng ngày của người trẻ làm sáng lên khuôn mặt của Giáo Hội Tình Yêu.