Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015

Lạy Chúa là Cha nhân lành xin Ngài hãy gìn giữ con trong lúc gian nan khố khó này. Chúa ơi con là kẻ tội lỗi mãi chìm đắm trong sự hèn thế gian, xin lòng thương xót Chúa ẳm lấy con, xin Thần Linh Chúa nâng đỡ ủi an con trong những lúc con quay lại với nhan Thánh Ngài, xin đừng xua đuổi con không cho gần Thánh nhan. Xin ban cho con thêm sức mạnh để con tránh xa những cám dỗ của satan là đầu mối của mọi tội.
NIỀM VUI ĐỤNG CHẠM 
Vài suy nghĩ sau Chúa nhật III Phục sinh 
niemvuigapchuaTháng Tư về. Tháng Tư đang vắt mình ngang nửa. Tháng Tư hối hả mang những cơn mưa rào xối xả. Tháng Tư ngỏ lời chào mùa hè. Và Tháng Tư, với những cung điệu của riêng mình, cũng hân hoan mừng Chúa phục sinh.
Tháng Tư hỏi tôi: Ngươi có vui không? Tôi băn khoăn ngập ngừng. Có lẽ niềm vui đã lạc điệu trong tôi.
Năm nào Tháng Tư cũng về. Thế là, năm nào Mùa Phục sinh cũng đến. Chúng cùng dắt tay nhau bước vào lòng đời, lòng người. Và có khi nào, chúng lặng lẽ ra đi, không để lại một dấu vết?
Tôi còn nhớ, trước Mùa Phục sinh, Mùa Chay mang cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc. Tâm hồn trở nên thánh thiện đến ngọt ngào. Có những buổi tĩnh tâm sốt sắng, tiếng lòng chảy xuôi. Có những nghi thức tưởng niệm cảm động, nước mắt chảy ngược. Có những hình ảnh đâm thấu con tim, xao xuyến tâm tư. Giêsu gục mình trên thánh giá. Giêsu không tựa đầu vào cây gỗ. Giêsu tựa vào cánh tay, loang lỗ máu. Có những mũi gai trên đầu dúi vào cánh tay. Đau nhói.
Nhưng ngạo nghễ thay, Tháng Tư lại trầy trật mang cho tôi niềm vui phục sinh, sau khi Đức Giêsu “phải chịu khổ hình rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại” (Luca 24,46). Tôi vẫn thích chìm trong cảm giác bi lụy của yếu đuối kiếp người, của khổ đau trần hoàn. Tôi không thể vui nổi!
Những khúc thánh ca nhộn nhịp Mùa Noel vui hơn nhiều. Ngôi sao, hang đá, cây thông hòa mình tưng bừng trong không khí se lạnh mùa đông. Giáng sinh vui hơn bởi những trang hoàng rực rỡ.
Mùa Phục sinh, tôi không thể vui nổi! Cái nóng đầu hè có lẽ làm tôi bước nhanh hơn Giêsu trên đường đi Emmaus, để không có cơ hội được Ngài trao ban niềm vui. Mùa Phục sinh không trang hoàng rực rỡ. Phục sinh chỉ dương cao hình ảnh Giêsu sống lại trong thân xác còn thương tích với vết đinh, vết giáo. Năm nào Chúa cũng phục sinh. Tôi tin. Nhưng tôi không thể vui nổi!
Tâm hồn tôi có những dấu hiệu khô hạn như những ngày đầu hè Tháng Tư. Có những trắc trở vẫn mắc cứng, ì ạch trong tư tưởng. Có những éo le trong các mối quan hệ phức tạp của cuộc sống. Chúng bóp nghẹt niềm vui có cơ may chớm nở trong tôi.
Tôi thèm nếm hưởng niềm vui phục sinh. Tôi muốn ôm nó thật khít, thật ngọt. Nhưng tôi vẫn không thể vui nổi! Chắc chắn, Tháng Tư đi, rồi lại về thôi. Năm sau, ngàn năm sau nữa, Mùa Phục sinh cũng sẽ về theo. Có thể, tôi may mắn nhìn thấy khuôn mặt của niềm vui vào một năm nào đấy?
Hết Mùa Phục sinh, sẽ không có gì đổi thay, Mùa Thường niên lại đến. Có khi nào tôi luyến tiếc vì không gặp được niềm vui phục sinh không? Cái gì qua đi, đã vụt khỏi tầm tay, người ta thường khao khát được đòi lại mà.
Tôi khắc khoải về niềm vui phục sinh. Bỗng, Tháng Tư lắc nhẹ tôi: “Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây” (Luca 24, 39).
Ơ hay, niềm vui phục sinh hóa ra có hình hài, dáng vóc. Niềm vui phục sinh là niềm vui đụng chạm. Thật dịu dàng và sinh động!
Có lẽ tôi chưa thể vui nổi vì tôi chưa đụng chạm. Tôi ngại tiếp xúc. Tôi e dè sự đối mặt kiên nhẫn, sự đối mặt giống như Nguồn Vui Đích Thực đã từng làm với các Tông đồ. Trái lại, khi đụng chạm, mọi thứ sẽ dừng lại để tận hưởng sự thăng hoa của niềm vui; không gian và thời gian ngưng đọng để niềm vui được vẹn tròn nơi chủ thể sở hữu. Niềm vui đụng chạm sẽ không trôi tuột như Tháng Tư vô tình, không nhàn nhạt như Mùa Phục sinh lặng lẽ.
Niềm vui phục sinh sẽ nở rộ khi tôi đụng đến Chúa. Khi đó, tôi đụng đến ai, Chúa sẽ mang niềm vui đến người đó. Người đó chính là niềm vui.Niềm vui phục sinh sẽ lan tỏa khi Chúa đụng đến tôi. Khi đó, ai đụng đến tôi, người đó sẽ cảm nhận được niềm vui của Chúa.
Niềm vui ấy không đong đưa, lưng chừng. Nó ở lại khi ta đụng chạm, chạm tới Chúa qua anh em. Khi ấy, niềm vui phục sinh sẽ nở hoa tình yêu.
Đức Tình

Chuyện về con Dơi

Có một cô gái nói rằng: cô đang rất đau khổ, trước mặt cô là cả một bầu trời đen tối và cô đang phải sống với những giọt nước mắt tuyệt vọng cuối cùng.
Nghe thật bi thảm, cô vừa bị mất việc vừa bị người yêu phản bội. Đây là mối tình đầu của cô và nó đã kéo dài 5 năm với tất cả sự chân thành nồng nhiệt, thủy chung của trái tim tuổi trẻ. Với mất mát này, cuộc sống trước mặt cô chỉ là những ngõ cụt, đường cùng.
Đó là tâm trạng của rất nhiều người khi đối diện với thất bại, đau khổ, nghịch cảnh. Họ cảm thấy mình như đi vào đường cùng. Họ cảm thấy bầu trời đối với họ không còn lung linh rạng ngời mà chỉ còn bóng tối bao trùm. Họ thất vọng. Họ buông xuôi.
Thực ra , ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới đau khổ hay hạnh phúc. Điều quan yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy. Chúng ta có thể thấy điều ấy qua hình ảnh con dơi. Một con dơi bình thường luôn bay ra ngoài vào buổi tối. Nó là một sinh vật nhanh nhẹn, lanh lợi đến mức ấn tượng. Tuy nhiên, nó không thể cất cánh từ một địa điểm bằng phẳng. Nếu nó được đặt trên sàn hoặc một mặt phẳng, thì tất cả những gì nó có thể làm là lê bước loanh quanh một cách vô vọng và đau khổ. Cho đến khi nó tìm được một độ cao nào đó, chỉ cần là một góc nâng nhỏ thôi, để từ đó, nó có thể tung mình vào không trung. Và, ngay lập tức, nó bay lên như một tia chớp.
Đôi khi chúng ta cũng giống như những con dơi cứ quanh quẩn trong bế tắc cùng khổ. Chúng ta vật lộn với tất cả các vấn đề rắc rối và tuyệt vọng của mình, mà không bao giờ nhận ra rằng rất có thể một giải pháp ở rất gần, chỉ cần chúng ta nhìn lên cao hơn – hay nhìn về phía trước sẽ có một con đường mới cho chúng ta.
Khi nhìn vào đau khổ, Chúa Giê-su đã ví tựa cuộc đời như hạt lúa chịu mục nát mới trồi sinh sự sống. Ngài còn nói rằng khi Ngài bị treo lên thập giá thì không phải là đau khổ, hay là thất bại mà là cứu sinh cho nhân loại. Ngài không nhìn đau khổ như đường cùng mà là một khởi sự cho sự sống mới trồi sinh. Từ chính đau khổ ấy Ngài ngước nhìn lên cao để có thể thấy ý Thiên Chúa Cha đang đòi Ngài hiến tế cứu đời. Đối với Chúa Giê-su đi vào đau khổ còn như là định luật tất yếu của đời người, vì “hạt lúa phải mục nát mới trồi sinh bông lúa vàng”. Đối với Chúa Giê-su thập giá không là nỗi nhục mà là một hành vi cứu rỗi nhân gian qua sự hiến tế của Ngài.
Cuộc đời con người chắc chắn sẽ có những khúc quanh của đau khổ nhưng vẫn còn con đường phía trước. Dù hẹp. Dù quanh co. Nhưng vẫn có lối thoát cho cuộc đời chúng ta. Đừng thất vọng trước khó khăn. Đừng tháo chạy trước gian nguy. Hãy nhìn vào khó khăn của bổn phận, của thử thách như lời mời gọi chấp nhận mục nát đời mình để sống có ích cho tha nhân. Hãy đón nhận thập giá cuộc đời trong thiên ý Thiên Chúa như là hồng ân Ngài ban tặng cho chúng ta để hiệp thông cứu độ trần gian.
Xin cho chúng ta luôn biết tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Chỉ trong Thiên Chúa chúng ta mới có bình an, hạnh phúc cho dù vẫn còn đó những khó khăn thử thách. Xin cho chúng ta biết bám vào Chúa để nhờ ơn Chúa chúng ta vượt qua những khó khăn. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền



THƯ GỞI NGƯỜI BÁN CHÚA
Bác Mười Hai thân mến!

Có lẽ Bác ngạc nhiên vì cách xưng hô “hơi lạ” của cháu. Lạ vì nhiều người vẫn viết thư cho Bác với cách xưng hô là ông – ông Giuđa, hoặc là anh – anh Giuđa; còn cháu lại thích cách xưng hô là Bác (viết hoa) - Bác Mười Hai. Bác có biết tại sao cháu lại gọi Bác là Bác Mười Hai không? Gọi Bác là Bác Mười hai, đơn giản vì Bác luôn ở vị trí thứ mười hai, vị trí cuối cùng trong danh sách các Tông Đồ. Gọi như thế cho thấy cháu vẫn tôn trọng Bác, vì dù sao Bác cũng là một trong mười hai vị Tông Đồ được Thầy Giêsu đích thân chọn gọi, sau khi đã “trắng đêm” cầu nguyện để thỉnh ý Chúa Cha.

Thưa Bác, hôm nay cháu viết thư này cho Bác vì cháu có một vài tâm sự muốn gởi đến Bác.

Bác biết không? Cứ vào dịp Mùa Chay, tên của Bác lại được nhắc đến rất nhiều, nhất là khi nguyện ngắm. Có điều, người ta nhắc đến tên Bác không phải với lòng kính cẩn mến yêu, mà nhắc với thái độ mỉa mai khinh thị. Nhiều sách ngắm vẫn gọi Bác bằng “thằng” nữa đấy! Thậm chí người ta còn lấy cả tên Bác ra để gán cho những kẻ phản bội hoặc những kẻ hám tiền: “Đồ Giuđa”. Nghe mà thấy xót xa quá đỗi! Đúng là “ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Biết làm sao có thể gột rửa được tiếng đời, nhất là tiếng ấy đã được ghi lại trong Kinh Thánh?

Người ta có ác cảm với cái tên của Bác đến nỗi mà ghét luôn cả những người đóng vai Bác trong Tuồng Thương Khó Mùa Chay. Nghe đâu ở một xứ đạo ngoài Bắc, có chàng thanh niên vào vai Bác quá đạt; nhưng bất hạnh đã xảy ra: sau khi xong Tuồng Thương Khó, anh ta đã bị “các bà đạo đức” lôi ra đánh cho một trận. Các bà ấy nói rằng họ muốn đánh cho bỏ ghét vì cái tội nhẫn tâm bán Chúa để rồi Chúa mới bị hành hạ và “chết oan” trong tay đám quân dữ như thế. Vậy đó, họ nào có biết trong “vụ án bán Chúa”, ai ai cũng có “dự phần”!

Đọc lại diễn tiến hành trình thương khó của Thầy Giêsu 2000 năm trước, cháu rất hiểu tâm trạng của Bác lúc bấy giờ. Cháu tin rằng không phải vì tiền mà Bác cam tâm bán Thầy mình. Bác đã được Thầy Giêsu tín cẩn giao cho một trọng trách là quản lí tài chánh (ngày nay có thể ngang tầm với Đức Hồng Y George Pell cơ đấy)! Dĩ nhiên thời bấy giờ thì Bác không được coi trọng gì mấy. Nhưng dẫu sao Bác cũng là người quyết định sự sống của 13 Thầy trò. Mọi chi tiêu ăn uống, đi lại đều được ký thác cho Bác.

Thiết nghĩ đó là vinh dự, chứ không phải là cơ hội để Bác “tham nhũng” như cách nói của thánh Gioan! Thánh Gioan kết án Bác là tham tiền vì ngài có nỗi niềm riêng của mình. Đơn giản vì anh Gioan của Bác quá yêu mến Thầy Giêsu, nên khi Bác “làm hại” Thầy thì người bị tổn thương nhiều nhất không ai khác ngoài anh Gioan. Chắc Bác rất hiểu điều này!

Vậy thì vấn đề cháu nghĩ ở đây lại là vấn đề khác. Ba năm theo thầy, Bác những mong ngày Thầy khởi nghĩa, “xưng vương, xưng bá” để học trò còn kiếm chút “cháo”, nhưng mãi chẳng thấy “cháo” đâu! Thất vọng hơn nữa, khi chính tai Bác nghe lời loan báo của Thầy Giêsu: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ mục loại trừ và giết chết…”. Bác nghe không lầm vì Thầy Giêsu loan báo đến ba lần. Chắc hẳn lúc đó tâm trí Bác rối bời như mớ canh hẹ! Quá rối bời dẫn đến tuyệt vọng. Và vì tuyệt vọng nên bác đã làm liều. Nghĩ là làm, đó cũng là cung cách của người Nam Bộ như Bác, bởi cháu biết Bác là người duy nhất trong 12 Tông Đồ có quê ở tận mãi Miền Nam, tức miền Giuđêa. Có lẽ trong thâm tâm Bác chỉ muốn đẩy Thầy mình vào đường cùng bằng cách nộp Thầy cho quân dữ, may ra Thầy sẽ “phản pháo”! Và biết đâu nhân cơ hội này, Thầy sẽ làm cách mạng, sẽ khởi nghĩa. Nhưng Bác nghĩ một đàng mà Thầy của Bác lại làm một nẻo. Thế mới chết! Thầy của Bác đã không khởi nghĩa, cũng không chống cự, mà ngoan ngùy để cho người ta bắt trói và “dẫn độ” về dinh Caipha, rồi sau đó còn để họ giao nộp cho vị tổng trấn dân ngoại là Philatô.

Cái tin từ dinh tổng trấn Philatô: “Thầy bị kết án tử và sẽ bị đóng đinh nay mai” đã làm cho bác suy sụp hoàn toàn. Mặt mũi nào còn nhìn Thầy và nhìn các bạn đồng môn. Tai não nào còn nghe nỗi dư luận xầm xì chỉ chỏ… Và bác đã đường đột tìm ngay giải pháp “độn thổ” bằng cái chết tòng teng tức tưởi trên dây thòng lọng.

Chỉ một phút tuyệt vọng, Bác đã hành động thiếu suy nghĩ. Bác đã chọn giải pháp tiêu cực nhất đó là cái chết tự vẫn. Không như anh Phêrô của Bác đã biết sám hối và làm lại cuộc đời. Thầy của Bác nhân từ lắm cơ mà! Có bao giờ kết án tội nhân đâu! Tiếc là Bác quên mất điều này, nên Bác đã để cho nỗi ân hận làm tan nát cuộc đời. Nếu “sám hối tích cực” dẫn Anh Hai Phêrô của Bác đến tương lai huy hoàng là được cả thế giới ngưỡng mộ và muôn người hậu thế kính tôn, thì “sám hối tiêu cực” đã dẫn Bác đến kết cục chua chát thê lương!

Cũng do kết cục thê lương này, mà nhiều người bảo rằng Bác sa hỏa ngục và trở thành “quan thầy” cho những người tự vẫn. Chúng cháu không dám “phán xét” vì chúng cháu không có quyền. Hơn nữa, Thầy Giêsu cũng đã cảnh cáo chúng cháu: “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán”. Chúng cháu vẫn tin vào lòng thương xót vô biên của Thầy Giêsu Chí Thánh. Biết đâu mai sau khi được vào Thiên đàng, chúng cháu thấy bác ngồi chễm chệ trên đó thì sao!

Giáo Hội chỉ có quyền tuyên bố một người nào đó là thánh (tuyên thánh) dựa vào đức hạnh của người đó, chứ Giáo Hội không bao giờ dám tuyên ngôn một người nào đó là quỷ. Cả trong trường hợp xấu nhất, Giáo Hội vẫn luôn phó thác cho lòng từ bi thương xót của Chúa, kể cả những người mà thế gian cho là tội lỗi “hết thuốc chữa”. Đức Thánh Cha Phanxicô còn công bố thiết lập một năm về lòng từ bi, gọi tắt là “Năm Từ Bi” nữa cơ mà! Điều này càng làm cho chúng cháu thêm niềm xác tín về Hồng ân cứu độ của Chúa. Cho dù tội lỗi con người có ngút ngàn như núi thì tình thương của Chúa còn cao hơn nhiều nhiều, như lời một ca khúc mà ca sĩ Phan Đình Tùng đã hát trong CD thánh ca đầu tay của anh: “Dù tội ta có cao biết mấy, nhưng tình Chúa vẫn cao hơn nhiều, luôn thừa sức san lấp lỗi tội ta”.

Một vài tâm sự như thế xin gởi đến Bác với ước mong Bác và nhiều người cũng được thêm phần hy vọng vào ơn cứu độ mà Thầy Giêsu đã mang đến cho trần gian!

Kính chào Bác Mười Hai!

Rạng - Mùa Chay 2015
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long