Thứ Năm, 4 tháng 4, 2019


Hôn Nhân $ Gia Đình

Ngay từ thuở ban đầu Thiên Chúa đã thiết lập định chế hôn nhân. Với mong muốn con người sống hạnh phúc và cùng nhau tiếp tục thực hiện công trình tạo dựng của Ngài. Thiên Chúa đã tạo dựng có “nam” có “nữ”. Để rồi người nam và người nữ cùng đồng hành với nhau và giúp nhau hoàn thiện bản thân mình. Tuy vậy, xã hội hôm nay với lối sống tục hóa và nhân danh chủ nghĩa duy vật đã làm cho đời sống hôn nhân, gia đình gặp nhiều khủng hoảng. Nhận thấy được thực trạng đó ĐTC Phanxicô đã đưa ra lời cảnh báo và kêu gọi rằng: “Con người ngày nay đang sống trong sự khủng hoảng văn hóa đời sống hôn nhân và gia đình, thế nhưng không phải vì thế mà đời sống hôn nhân và gia đình mất đi tầm quan trọng của nó. Gia đình là nơi để chúng ta biết yêu thương trong sự khác biệt là nơi cha mẹ truyền lại cho con cái những giá trị quý giá đặc biệt là đức tin.”

Thật vậy, thực trạng xã hội hôm nay người ta đề cao giá trị vật chất. Người ta tôn đồng tiền lên làm ông chủ và là mục đích tối hậu của cuộc đời. Đồng tiền được con người thần thánh hóa. Các giá trị vật chất đó đã len lõi và mọi ngõ ngách của mọi đời sống và các mối tương quan của con người. Dẫu biết rằng đồng tiền có thể giúp con người sống tiện nghi hơn, đầy đủ hơn. Và đồng tiền cũng rất cần để con người trang trải cuộc sống tốt hơn. Nhưng không phải vì thế mà đề cao các giá trị vật chất để rồi bỏ qua các giá trị thượng đẳng là bác ái và yêu thương.  Đã có biết bao gia đình đổ vỡ hôn nhân vì mãi chạy theo những giá trị vật chất. Các mối tương quan: vợ - chồng, cha mẹ - con cái bị rạn nứt một cách trầm trọng. Ngày hôm nay các giá trị vật chất được người ta dùng để làm thước đo cho danh dự và phẩm giá của con người. Người chồng (vợ) phải làm được nhiều tiền mới được tôn trọng. Cha mẹ giàu có mới được con cái kính nể. Và còn biết bao nhiêu thực trạng đau buồn khác đang xảy ra trên khắp trái đất này.
          Vì quá đề cao giá trị vật chất mà một số cặp vợ-chồng ngày hôm nay quên đi bổn phận và trách nhiệm của mình. Bổn phận làm người cha, người mẹ. Bổn phận làm người vợ, người chồng. Những người làm con cũng quên đi bổn phận làm con trong gia đình. Đã có biết bao nhiêu người vợ, người chồng bỏ nhà ra đi tìm hạnh phúc mới. Hạnh phúc ngoài giá thú. Vì người vợ, người chồng mãi mê kiếm tiền để xây dựng các giá trị vật chất. Đã có biết bao người con trong gia đình bỏ nhà ra đi tham gia vào các tệ nạn xã hội vì thiếu tình thương của cha-mẹ. Có một số người cha-mẹ hôm nay, vì mải mê kiếm tiền để xây nhà thật to, sắm xe thật đẹp. Để rồi sau khi nhà đã có xe đã mua rồi mới nhìn lại các mối tương quan trong gia đình. Khi đó các mối tương quan còn đâu nữa, các mối tương quan đã bị rạn nứt, cha đi đường cha, mẹ đi đường mẹ, con đi đường con.
          Xã hội hôm nay thật lạ lùng. Nghèo quá cũng đỗ vỡ gia đình, giàu cũng không giữ được mái ấm. Có một số gia đình khi đã đầy đủ các tiện nghi lúc đó họ  chỉ quan tâm đến cá nhân mình. Người cha (mẹ) đi tìm niềm vui riêng mà bỏ rơi gia đình, để cho mái ấm trở nên lạnh lẽo tình nghĩa cha mẹ - con cái, lạnh lẽo tình nghĩa vợ - chồng. Họ chỉ quan tâm đến việc hưởng thụ mà quên đi rằng gia đình là nơi để vun đắp và xây dựng các giá trị yêu thương, là nơi để mỗi thành viên tìm về nghĩ ngơi sau một ngày sống bon chen với người và với đời.
          Đời sống con người hôm nay, các giá trị đạo đức bị đảo lộn. Con người đã để cho chủ nghĩa duy vật len lỏi vào tâm thức. Từ đó con người bị chủ nghĩa duy vật làm xói mòn các giá trị đạo đức và nhân phẩm. Khi chạy theo chủ nghĩa duy vật cũng đồng nghĩa với việc họ chối bỏ Thiên Chúa. Để rồi họ sống như cái xác vô hồn. Họ không còn sống nhưng đang cố gắng để tồn tại. Họ sống một đời sống nội tâm trống rỗng vì đã chối bỏ thượng đế là nguồn gốc nơi họ được sinh ra. Vì thế họ không biết quan tâm, chăm sóc và yêu thương lẫn nhau. Họ sống một cách vị kỷ, những giá trị đạo đức bị loại bỏ và họ chỉ xem các giá trị nhân bản là vẻ đẹp của quá khứ.
          Hơn lúc nào hết ngay lúc này các gia đình cần phải xem lại tầm quan trọng của mình. Gia đình chính là một hình thức xã hội thu nhủ và là một giáo hội tại gia. Người chồng (vợ) phải biết nhìn nhận vợ (chồng) mình như là chính máu thịt của mình. Người chồng người vợ phải biết tôn trọng và yêu thương lẫn nhau. Người cha (mẹ) đã đến lúc dừng lại những thứ phù phiếm bên ngoài. Để rồi tự vấn lại các bổn phận mình phải chu toàn. Đã bao lâu vợ chồng chưa nắm tay nhau? Đã bao lâu rồi chưa có bữa cơm gia đình? Đã bao lâu rồi vợ chồng chưa trao gửi yêu thương cho nhau? Đã bao lâu rồi cha mẹ không nói chuyện với con cái?  Đã đến lúc các cặp vợ chồng phải nhìn nhận ra rằng: tình yêu và bổn phận là những điều không thể thiếu trong gia đình.
          Thậy vậy, chính cách thức cha mẹ yêu thương nhau là nền tảng để giáo dục con cái biết yêu thương. Lúc cha mẹ chu toàn bổn phận đó chính là gương sáng để cho con cái noi theo. Và hơn hết các bậc cha mẹ phải làm cho đời sống nội tâm của con cái trở nên phong phú qua cách giáo dục. Đặc biệt cha mẹ phải xây dựng niềm tin vào Thiên Chúa cho con cái của mình. Để rồi những đứa trẻ biết nhìn nhận Thiên Chúa là cha. Khi nhìn nhậ Thiên Chúa là cha thì những đứa con đó sẽ biết đón nhận và học hỏi các giá trị thượng đẳng qua lời Chúa.

          Thực trạng của các gia đình hôm nay đầy những khó khăn và thách đố. Họ bị khủng hoảng trong hai mối tương quan. Mối tương quan giữa họ với thế gian và mối tương quan giữa họ với Thiên Chúa. Vì thế hiện nay các gia đình phải biết xây dựng đời sống hôn nhân trong tình yêu. Để rồi mỗi người trong gia đình luôn nở nụ cười. Những đứa con luôn được mang lấy niềm hạnh phúc vì được yêu và biết yêu.

Thứ Ba, 2 tháng 4, 2019

Đừng Sợ

Con người có bảy loại tình cảm gọi đó là thất tình. Bảy loại đó là: “hỉ, nội, ái, ố, ai, cụ, dục”. Trong đó có loại tình cảm sợ hãi. Như thế, tự bản chất con người đã mang trong mình sự sợ hãi. Người sợ cái này, người sợ cái kia. Người xưa có câu: “trẻ sợ ma, già sợ chết”. Nỗi sợ luôn bám lấy con người suốt cuộc hành trình trên chốn dường gian này. Còn sống là còn sợ.

          Xã hội hôm nay người ta sợ làm điều thiện. Sợ thực thi các giá trị đạo đức. Người ta sợ làm điều thiện vì không muốn bản thân mình vướng phải rắc rối, chỉ muốn mình được yên thân. Cũng có thể người ta sợ làm điều thiện vì xã hội bất công. Công lí bị bẽ gãy, sự thật bị bóp méo. Vừa mới đây thôi có một anh tài xế ở tỉnh Đắc Lắc khi đang lưu thông trên đường, anh nhìn thấy một bé trai vừa đi vừa khóc giữa đường. Với bản tính lương thiện của mình, anh dừng xe hỏi thăm cháu bé và sau đó đưa cháu bé lên xe với mục đích giúp cháu bé tìm ra người nhà. Nhưng lạ lùng thay lòng tốt của anh được đáp trả bằng bản án bất lương, phi nhân tính. Anh bị kết án hai năm tù giam vì tội “giữ người trái pháp luật”. Xã hội hôm nay các giá trị bị đảo lộn. Người ta muốn thực thi lòng tốt cũng không được. Muốn làm việc thiện cũng phải xin phép chính quyền nếu không sẽ bị kết tội. Chính xã hội đã tạo thêm nỗi sợ hãi cho con người.
          Thật vậy, với thực trạng xã hội hôm nay để con người quên đi nỗi sợ rồi thực thi các giá trị đạo đức quả là một điều khó khăn. Tuy vậy, khó nhưng không phải là không làm được. Giữa một xã hội đầy tính thế tục nhưng vẫn có những con người can đảm vươn lên nỗi sợ để vươn tới làm một con người hoàn thiện. Còn đó những con người dám từ bỏ chính mình để lao mình về phía trước. Họ đã bỏ lại sợi dây ràng buộc là sự sợ hãi để rồi dấn thân ra những vùng ngoại biên xa xôi để thực thi lòng nhân ái.
          Trong tiến trình của cuộc sống hôm nay cần lắm một lối đi riêng. Lối đi ngược với dòng đời. Lối đi bỏ lại sự “sợ hãi” nhưng thay vào đó là “đừng sợ”. Con người hôm nay dễ dàng thỏa hiệp với chính mình trong những điều xấu. Người ta buông mình trong vũ trường, chìm đắm cơn say trong men rượu. Bất chấp mọi thủ đoạn để thỏa mãn tính dục. Xã hội đang bị băng hoại với lối sống dễ dãi và hưởng thụ. Vì thế hơn lúc nào hết mỗi người cần nhìn nhận lại chính mình, để can đảm đứng lên lội ngược dòng để rồi thực thi các giá trị đạo đức, bảo tồn tính nhân văn của con người.
          Lội ngược dòng thì rất vất vả và mệt. Có thể một lúc nào đó ta sẽ bị gục ngã vì những khó khăn và mệt nhọc. Vì thì thế mà mỗi người phải luôn mang trong mình niềm hy vọng. Và đừng bao giờ để các giá trị xấu cướp đi niềm hy vọng. Mỗi người phải mang trong mình niềm hy vọng để nhìn về tương lai một cách tươi sáng hơn. Tự bản chấn con người là yếu đuối và hay thay đổi. Vì thế niềm hy vọng lớn nhất của mỗi con người là bắm chặt lấy tay Chúa. Đừng bao giờ buông tay Ngài ra. Chúa Giêsu cũng đã khẳng định rằng: “không có thầy, anh em sẽ không làm gì được”. Thiên Chúa luôn mời gọi mỗi người hãy đặt niềm hy vọng nơi Ngài. Để cho Ngài biến đổi và để cho Ngài hoạt động trong chính mỗi người. Để rồi mỗi người là khí cụ của Thiên Chúa. Khi đã đặt hết niềm hy vọng vào Chúa thì người ta sẽ không sợ bất cứ điều gì nữa. Họ sẽ can đảm, dám liều mình tiến lên phía trước lội ngược các giá trị xấu để thực thi các giá trị đạo đức.

          Lời mời gọi “đừng sợ” được lặp lại ba trăm sáu lăm lần trong Kinh Thánh. Lời mời gọi đó là mong muốn của Thiên Chúa muốn ta được bình an mỗi ngày. Thiên Chúa muốn mỗi ngày ta bỏ lại đằng sau sự sợ hãi để tiến lên lao mình về phía trước mà thực thi sứ vụ yêu thương, sứ vụ làm con Thiên Chúa. Và Chúa muốn mỗi ngày trong đời con người phải có niềm hy vọng nơi Ngài. Để tình yêu của mỗi người được lớn lên và sinh hoa kết trái mỗi ngày.