Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2020

 Đợi

Có lúc chẳng còn lòng đợi trông

Nhiều khi chìm đắm giữa mênh mông

Đời người bóng tối gieo muôn ngả

Bốn bể trầm kha một chiếc vòng

Nương bóng Tối Cao con phủ phục

Nép thân bên dạ được an lòng

Ánh sáng bừng lên cho sáng tỏ

Ân ban những kẻ đợi trông mong

Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2020

 

Trông Đợi

Tiết trời se lạnh giữa trời đông

Ai nhớ ai quên ngày nắng hồng

Bốn cõi ngập tràn trong nắng ấm

Chim trời lượn hót giữa thinh không

Trời đông giăng mù kéo mưa sa

Sinh mệnh nơi nơi thổn thức lòng

Ngước lên trông đợi ngày ân xá

Con Chúa giáng trần thỏa ước mong.

 

 

Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2020

 Cánh cò bay lượn giữa trời đông

Tìm chốn nương thân một thính phòng

Để lắng tai nghe lời của gió

Để nghe biến động giữa trời giông

Chim trời mỏi cánh tìm về bến

Đất mẹ yên bình mãi đợi trông

Gió rét từng cơn thêm giá lạnh

Phận cò rong ruổi mãi long đong


Thứ Năm, 29 tháng 10, 2020

Suy Tư

Đất trời đang dần thay đổi, khí hậu bất thường, thiên tai lũ lụt, dịch bệnh tràn lan. Người ta nói với nhau rằng, ở Việt Nam hiện tại chỉ có hai mùa: mùa mưa lũ và mùa dịch bệnh. Vũ trụ không còn được hiền hòa như thuở ban sơ, chim kêu vượn hót, nước chảy êm đềm. Con người cũng vậy, trong những ngày vừa qua, đứng trước hiện tượng nhân tai và thiên tai, tiếng kêu cứu của đồng loại vang vọng tới trời, và đã chạm ngõ đến những lòng nhân biết yêu thương. Tuy nhiên, khi đứng trước những biến cố đau thương như thế, ta có nên quay về với thực tại để tìm ra nguyên nhân, và một cách chậm rãi để nhìn nhận ra sự việc đang vận hành như thế nào?

Trong những ngày qua, miền trung Việt Nam đã phải hứng chịu cảnh nước lũ dâng cao, nhà nhà bị ngập trong biển nước, tiếng kêu cứu của những con người, vì đói, vì đang phải đối diện với tử thần. Nước xuống chưa được bao lâu, thì gió nổi lên, gió thổi với sức mạnh giật từ cấp 12-15, đã thồi bay biết bao nhiêu mái ngói, căn nhà của những con người nghèo khổ. Của cải vật chất bay theo cùng con nước và ngọn gió vô tình. Tuy vậy, không chỉ dừng lại ở việc mất của, nhưng đau thương hơn nữa, con người phải nhìn cảnh thân nhân và đồng bào của mình bị nước cuốn trôi, dìm chết, bị những đống đất vô tình chôn sâu. Dịch bệnh vẫn còn đó chưa dứt, nó vẫn còn đang âm ỉ, và đang đợi cơ hội để bùng ra, để rồi lại lạnh lùng cướp đi sức khỏe và mạng sống của con người, thế mà, các tai ương khác lại ấp tới. Vậy, phải chăng con người đang bị trời trừng phạt vì tội lỗi của họ? Xã hội hôm nay,con người quá tàn độc, thai nhi bị giết mỗi ngày, ăn trộm cướp giật như cơm bữa, đôi đũa biến thành vũ khí tranh giành miếng ăn, máu chảy thành sông. Đứng trước những thực tại như thế, ta bất giác nghĩ rằng: “trời đang trả đũa con người, trời cao đang ăn miếng trả miếng với con người”. Thậy vậy, thay vì than trách trời cao, đã không ban nắng xuân trong nhưng ngày mưa bão, đã không đưa cánh tay uy hùng của mình để ngăn giữ dòng nước, phá tan dịch bệnh, con người nên nhìn vào những gì đang hiện diện trước mắt mình. Người ta bất chấp lợi nhuận kinh tế, tàn phá thiên nhiên, thủy điện mọc lên như nấm. Vì mục đích chính trị, người ta sẵn sàng chế tạo vũ khí sinh học để tiêu diệt lẫn nhau. Đứng trước bước tiến của khoa học, người ta loại bỏ trời cao, xa rời Thượng Đế. Chủ trương “Chúa đã chết rồi”, đang lan tràn khắp nơi. Vậy, lúc này đây, những tai ương đang xảy ra do trời hay do người?

Khi đứng trước những đau thương, tiếng kêu thảm thiết lại vang lên, vì ta bất lực, với sức riêng của mình ta không làm gì được. Tiếng kêu ấy, đã đụng chạm lòng nhân ái của biết bao nhiêu con người. Người ta tiết kiệm chi tiêu nhằm ủng hộ những nơi khó khăn, những cái bánh, gói mì tôm và những món quà quý giá khác đã đến được với những con người đang cần. Tuy vậy, những tấm lòng từ thiện, với mong ước thắp lên ngọn lửa tình yêu trước những băng giá của đất trời, đã trở thành nơi đấu tố, cướp bóc vì những món quà. Người ta tranh giành nhau vì miếng ăn, chai nước, đấu tố nhau vì những đồng tiền từ thiện. Cũng lúc này, có những người rao bán tình yêu thương của mình, để được nổi tiếng trên mạng xã hội, để được người ta quan tâm, nhằm trục lợi cho bản thân. Người ta cắt ghép hình ảnh để sống ảo, trên mạng xã hội facebook , chân đã chạm bùn lụt, nhưng thực tế bàn chân đó chưa biết bùn mềm hay cứng (qua vụ việc Huấn Hoa Hồng).

Yêu thương nhau, gửi cho nhau những món quà trong lúc khó khăn là điều tuyệt vời. Đó cũng là đạo lí yêu thương của con người, và khi mở rộng tấm lòng, người ta biết quay về với cội nguồn của mình. Trong nhân gian có câu rằng: “một miếng khi đói, bằng một gói khi no”. Tuy nhiên, cho nhau những món quà trong lúc khó khăn, thì cũng nên cho “người nhận”, biết tìm ra công lý. Trong lúc những tấm lòng từ thiện từ khắp nơi đổ về, ở chốn đang hứng chịu tai ương. Vậy mà, hệ thống bộ máy quan quyền, được gọi là đầy tớ phục vụ dân đã làm được những gì trong lúc này? Chúng chỉ biết đưa ra chỉ thị, kêu gọi lòng nhân, nhưng chính chúng không chịu cất bước để hành động. Từ thiện, hai chữa tốt đẹp biết bao nhiêu. Nhưng, từ thiện không nên và chỉ dừng lại ở những món quà, dừng lại ở những thứ vật chất, mà còn phải từ thiện cho người ta trong ý thức hệ, đó chính là từ thiện lâu dài. Cứu đói trong lúc nguy cấp là việc phải được ưu tiên và đặt ra hàng đầu, nhưng cứu đói lâu dài cũng là điều cấp thiết trong xã hội Việt Nam hôm nay. Vì ý thức hệ của người dân, hầu như đã bị đồng bộ hóa hết tất cả.

Trước mọi biến cố xảy ra, người ta thường nhìn nhận và suy tư, để nhận ra “dấu chỉ thời đại”. Nhà toán học Pascal rất nổi tiếng với câu nói "Con người là một cây sậy, nhưng là cây sậy biết suy tư". Con người khác con vật ở chổ là suy tư. Thật vậy, suy tư là điều cần thiết cho cuộc sống của con người. Nếu trước mọi biến cố, mọi sự việc, con người không biết suy tư thì sẽ hành động theo bản năng. Khi mọi việc chỉ dừng lại ở bản năng thì chính con người tự hạ đi phẩm giá của mình. Thật vậy, con người với bản chất là “nhân chi sơ, tính bản thiện”. Con người luôn được thúc đẩy để hướng đến mọi điều tốt đẹp nhất. Vì vậy, ngay bây giờ, ta phải đi tìm lại cội nguồn của mình, để cùng nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, và để tránh được mọi tai ương xảy đến với mình.

 


Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2020

 Đức Tin và Văn Hóa

Chúng ta đang sống trong một thời kỳ mới, giữa một thế giới đầy biến động. Xã hội con người, dần bước tới một kỷ nguyên tươi sáng, trong mọi lĩnh vực: khoa học, xã hội... . Con người hôm nay, đặt niềm tin vào khoa học, bởi sự phát triển vượt bậc của nó. Tuy nhiên, đây cũng là thời kỳ, con người cảm thấy hoang mang, niềm tin giữa con người với nhau, giữa con người và Thượng Đế. Con người được một nền văn hóa hiện đại, cung phụng cho một cuộc sống sung túc, đầy đủ về mọi mặt, bởi vậy, một số người dần trở nên vô cảm và lãnh đạm trước mọi biến cố thời cuộc và của chính mình. Người ta đón nhận mọi thứ một cách hời hợt, ngay cả trong vấn đề đức tin của mình với Thiên Chúa. Vì thế, Thánh Giáo hoàng Gioan Phao-lô II đã nói rằng: “đức tin mà chưa biến thành văn hóa là đức tin chưa thực sự suy tư, chưa đón nhận một cách chân thành”.   

Sống trên trần gian này, con người luôn khát khao đi tìm Đấng Tạo Hóa. Bởi vì, mọi thực tại ở trần gian, chưa bao giờ làm con người được no thỏa và đạt tới hạnh phúc trọn vẹn. Vì thế, giữa vũ trụ mênh mông này, con người được Thiên Chúa ban tặng cho một đức tin, để nhờ đức tin con người được nhận biết Thiên Chúa và chân lý của Ngài. Vậy, đức tin là “nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta tin vào Thiên Chúa và những gì Ngài đã mặc khải cho chúng ta và những gì Hội thánh dạy chúng ta tin, vì Thiên Chúa là chính chân lý. Nhờ đức tin, con người phó thác bản thân mình một cách tự do cho Thiên Chúa. Vì thế, người tin tìm biết và tìm thi hành thánh ý của Ngài vì, “đức tin hoạt động nhờ đức ái” (Gl 5,6)” (SGLHTCG 368). Trong mọi thời đại, con người có một nền văn minh, văn hóa khác nhau. Qua mỗi thời đại, hậu thế sẽ được kế thừa nền văn hóa tốt đẹp mà cha ông để lại. Vậy, văn hóa là gì? Thánh Công đồng Vantican II cũng đã định nghĩa rằng: “văn hóa là tất cả những gì con người dùng để trao đổi và phát triển các năng khiếu đa điện của thể xác và tâm hồn; cố gắng chế ngự trái đất bằng tri thức và hành động; làm cho đời sống xã hội, đời sống gia đình và đời sống chính trị trở nên nhân đạo hơn, nhờ sự tiến bộ trong các tập tục và định chế; sau hết diễn tả, thông truyền và bảo tồn các công trình, những kinh nghiệm tinh thần và hoài bảo của các thời đại, để giúp cho nhiều người và toàn thể nhân loại tiến bộ hơn”.

Sống trong lòng Giáo hội, ngày từ lúc được sinh ra, ta được mời gọi đón nhận đức tin qua bí tích rửa tội. Bởi vậy, đức tin là món quà Thiên Chúa ban tặng cho ta, đức tin không phải là một cái gì đó để ta cố gắng bắt lấy. Khi thánh Phê-rô tuyên xưng đức Giê-su, “Thầy là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16). Khi ấy, Chúa Giê-su đã khẳng định rằng: “không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều đó, nhưng chính Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16, 17).  Ngay từ buổi sơ khai, Thiên Chúa đã có ý định ban cho con người một nên văn hóa, theo ý chí tự do của họ. Thiên Chúa đã chọn cụ Áp-ra-ham là một con người cụ thể, để xây dựng và phát triển thành một dân tộc. Ý định của Thiên Chúa, muốn cho con người xây dựng một nền văn hóa tùy ý mình một cách rõ nét hơn, khi Ngài ngăn cản con người xây dựng tháp Babel “nào Ta xuống và làm cho tiếng nói của chúng bị xáo trộn” (St 11, 7). Vì thế, đức tin và văn hóa là ân sủng mà Thiên Chúa đã tặng ban cho con người.

Sau khi dựng nên con người, Thiên Chúa đã mời gọi họ cộng tác và tiếp tục công trình sáng tạo của Ngài, “hãy sinh sôi nảy nở cho thật nhiều, cho đầy mặt đất và thống trị khắp mặt đất”. (St 1, 28). Dù sau đó, con người phạm tội với Thiên Chúa, bị Ngài đuổi ra khỏi vườn địa đàng, nhưng Ngài vẫn cho họ khả năng lao động để tạo ra những thứ nuôi sống mình một cách vất vả hơn. Theo dòng lịch sử thời gian, cho chúng ta thấy, con người đã sáng tạo những công cụ thô sơ cho tới các công cụ tân tiến để phục vụ cuộc sống của mình. Có lời chép rằng: “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn bởi mọi lời miêng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4, 4). Thật vậy, sự sống của con người không chỉ cơm no, áo ấm là đủ, nhưng còn bởi các giá trị tinh thần khác nữa. Bởi vậy, ở mọi thời, con người đều phát minh ra các bộ môn nghệ thuật để phục vụ cho đời sống tinh thần của mình. Con người đã sáng tạo ra, các làn điệu dân ca, các vũ khúc, những điệu nhạc... những môn nghệ thuật đó, ảnh hưởng trực tiếp bởi lối sống thường ngày của họ. Thật vậy, nền văn hóa đó không đi ngược lại với đức tin của con người vào Thiên Chúa. Bởi vì, Thiên Chúa ban cho con người lí trí để phân biệt và hành động theo lương tâm của mình. Và đức tin là một hành vi nhân linh, tức là con người tin và Thiên Chúa và gắn bó với những chân lý do Ngài mặc khải không đi ngược lại với tự do và trí khôn của con người. Thực tế đã cho chúng ta thấy rằng, các bộ môn văn hóa hay lối sống văn hóa tốt đẹp của con người là cách thức để mỗi người biểu thị đức tin của mình. Đức tin là một hành vi nhân linh, bởi vậy, đức tin và văn hóa luôn song hành với nhau để hướng tới Thiên Chúa.  

Trong đức tin, con người được tự do đón nhận Thiên Chúa. Thiên Chúa ban đức tin cho con người để mỗi người phục vụ Ngài trong tinh thần và chân lý. Qua dòng lịch sử thời gian của Giáo hội ta thấy rằng, Giáo hội luôn mời gọi con cái trong gia đình nhân loại đến với mình, và Giáo hội không bao giờ dùng những cách thức để chiêu dụ người ta. Bởi vậy, trong đời sống đức tin, mỗi người sẽ có cách riêng để sống và thể hiện đức tin của mình. Cũng vậy, trong đời sống văn hóa, tuy rằng có những con người cùng một dân tộc, cùng một ngôn ngữ, nhưng mỗi người sẽ có nét văn hóa riêng. Con người là một tổng hòa văn hóa. Trong kiến trúc nghệ thuật, có người thích thế này, người thích thế khác. Trong quan niệm sống, cùng một vấn đề nhưng người này có quan niệm khác người kia, và còn nhiều lĩnh vực khác nữa, mỗi người sẽ có một nét riêng cho mình. Tuy vậy, mọi thứ phải được chiếu rọi dưới ánh sáng Tin mừng của Thiên Chúa, vì lệ thuộc vào Thiên Chúa làm cho con người được tự do hơn. Thật vậy, đức tin là một hành vi tự do để mỗi người, diễn tả nét văn hóa riêng của mình.

Nền khoa học của con người đang ở giai đoạn phát triển, nhờ khoa học con người đã đạt được những thành tựu to lớn. Ngày nay con người có thể bay tới cung trăng, lặn xuống đáy biển sâu, và người ta cũng đã sáng chế ra nhiều thiết bị, máy móc hiện đại để phục vụ cuộc sống con người. Các lĩnh vực nghệ thuật cũng bước sang trang sử mới, các dòng nhạc khác nhau ra đời để phục vụ cho mọi lứa tuổi và sở thích riêng của từng người, nghệ thuật kiến trúc xây dựng... cũng đảm bảo được mọi nhu cầu của mọi người. Thật vậy, trong một nền văn hóa đa dạng như thế, một nền văn hóa, hầu như có thể thỏa mãn được niềm khao khát của con người, làm cho người ta nghĩ rằng: “đức tin không còn chổ đứng trong nền văn hóa hiện đại”. Tuy nhiên, càng khám phá ra sự văn minh, người ta càng nhận biết Thiên Chúa. Thánh Phao-lô cũng đã khẳng định rằng: “những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ” (Rm 1, 19). Khi nhà bác học Issac Newton khi quan sát các hành tinh và dải ngân hà đã reo lên rằng: “tôi thấy Thiên Chúa đi qua kính viễn vọng của tôi”. Hay nhà toán học Justus-von Liebig đã nói rằng: “sự vĩ đại và trí khôn vô tận của Đấng Tạo Hóa sẽ chỉ được nhận thấy bởi những người cố công rút ra ý tưởng của mình từ cuốn sách vĩ đại mà chúng ta gọi là thiên nhiên”. Trong các lĩnh vực văn hóa khác, dáng dấp của đức tin cũng được tỏ lộ và qua những nét đẹp của văn hóa người ta thể hiện đức tin của mình ở trong đó. Bởi vậy, đức tin đi vào mọi ngõ nghách của đời sống con người và trở thành một nền văn hóa.

Chúa Giê-su, một con người mang nền văn hóa bởi dân tộc mình. Khi xuống thế làm người, Đức Giê-su được chọn sinh ra trong dòng dõi vua Đa-vít, như lời của sứ thần Giáp-ri-en đã loan báo rằng: “Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người” (Lc 1, 32). Chúa Giê-su được sinh ra trong gia đinh Nagiaret, thân mẫu người là đức Maria, và có thánh Giuse là cha nuôi của Người. Chúa Giê-su được sinh hạ tại Bê-lem, miền Giu-đê, trong Tin mừng cũng đã diễn tả rằng: “phần người, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thánh phố nhỏ nhất của Giu-đa, vì người là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời”. (Mt 2, 6). Thật vậy, đức Giê-su là Thiên Chúa, nhưng khi mặc lấy thân phận con người, Ngài cũng có một tổ quốc, một dòng tộc, một gia đình và một ngôn ngữ. Bởi vậy, đức Giê-su cũng được dạy dỗ và ảnh hưởng bởi nền văn hóa thời đó. Tuy nhiên, khi đứng trước một nền văn hóa còn thiếu yêu thương, thiếu bác ái, nhưng Ngài không hề có ý đinh hủy bỏ đề xây dựng lại, nhưng Ngài đã kiện toàn nền văn hóa đó. Trong Tin mừng Thánh Mát-thêu cũng đã diễn tả rằng: “Thầy đến không phải để bãi bỏ nhưng để kiện toàn” (Mt 5, 17). Chúa Giê-su mang nền văn hóa của dân tộc mình, và Ngài đón nhận một cách chân thành vì Ngài tôn trọng sản phẩm văn hóa của con người.

Môi trường sống của con người hôm nay, thật giả lẫn lộn. Lịch sử con người, đã hun đúc được nhiều nền văn hóa tốt, mang lại các giá trị nhân văn cho con người. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng xuất hiện biết bao nền văn hóa xấu đang đầu độc thế hệ con người hôm nay. Người ta biểu tình để được hệ thống pháp luật cho phép phá thai, sử dụng ma túy, ăn chơi trác táng được coi là nét văn hóa mới của giới trẻ. Con người đề cao những giá trị vật chất, chạy theo chủ thuyết vô thần để loại bỏ Thượng Đế. Văn hóa mặc kệ người khác, chỉ cần mình có lợi là đủ, vì thế, thiên nhiên bị tàn phá, tài nguyên khoáng sản bị khác thác quá mức cho phép. Nền văn hóa đó đã đưa đến hậu quả rất nghiêm trọng cho con người; thiên nhiên lên tiếng, thiên tai lũ lụt bất thường xảy ra khắp nơi. Bị tiêm nhiễm bởi nền văn hóa tiêu thụ, con người dần trở nên vô cảm với nhau và với chính mình. Con người cảm thấy lo âu về chính mình, đức tin bị trống rỗng. Người ta đi tới nhà thờ, chùa chiền, hay các cơ sở tôn giáo khác để cầu nguyện với mục đích mong sao trời ban cho mình có được nhiều của cải, địa vị thăng tiến. Con người dần quên mất đi căn tính đích thực của mình đó chính là tâm hồn. Khi lấy đức tin ra để sống người ta cảm thấy hoang mang với chính đức tin của mình,đức tin đã được thụ huấn ngày hôm đó. Người ta không hiểu đức tin của mình đang đi tới đâu, và đức tin của mình là gì? Thực tại đau thương đó đang xảy ra, bởi vì, người ta không chịu dừng lại cuộc sống, cơm gạo áo tiền để suy tư về những điều thánh thiêng mình đã được lãnh nhận.

Người Công Giáo Việt Nam khi nhắc đến, truyền giáo và hội nhập văn hóa với đức tin, chắc ai cũng nhớ vị truyền giáo, cha Đắc Lộ. Để truyền giáo ở một đất nước xa xôi, khác văn hóa, chữ viết và những tập tục khác, cha Đắc Lộ đã không quản ngại vượt bao khó khăn để truyền rao đức tin cho các tín hữu nơi đây. Khi tới Việt Nam, Ngài đã bỏ ra rất nhiều thời gian để học ngôn ngữ, tìm hiểu văn hóa. Và ngài cũng noi gương Chúa Giê-su, luôn tôn trọng văn hóa của con người bản địa, và dùng nét đẹp văn hóa của họ để cho họ nhận ra Thiên Chúa nơi chính nền văn hóa đó. Cha Đắc Lộ luôn tôn trọng và giữ phong tục tập quán của người Việt Nam, đồng thời đưa ra những thích ứng phù hợp. Những tập tục dị đoan của ba Ngày tết Việt Nam được thay bằng nghi thức kính Ba Ngôi Thiên Chúa. Thay vì cắm cây nêu, Cha đã dựng cây Thánh Giá. Những nghi lễ Công Giáo được tổ chức mang màu sắc phù hợp với tâm tình Việt Nam hơn. Ngày nay chúng ta còn giữ lại một số truyền thống như làm phép nến, dùng cành ô-liu trong ngày lễ Lá, ngắm Thương Khó Chúa Giêsu vào mùa Chay. Cha khuyến khích giáo hữu sáng tác thơ nhạc, giới thiệu Thiên Chúa cho người khác. Để làm được như vậy, cha Đắc Lộ đã suy tư rất nhiều về đức tin của mình, và chính ngài cũng đã đón nhận đức tin của mình một cách chân thành.

Đức tin và văn hóa không đối lập nhau, nhưng luôn song hành cùng nhau. Bởi vì, đức tin và văn hóa đều xuất phát từ ý định của Thiên Chúa; đức tin là một hành vi nhân linh: những chân lý của Thiên Chúa không đi ngược lại với trí khôn và tự do của con người; đức tin là một hành vi tự do, con người được tự do suy tư để biến đức tin ấy trở thành nét văn hóa của dân tộc mình. Và, đức tin cùng với văn hóa đi vào mọi ngõ nghách của đời sống con người. Đức tin và văn hóa của con người luôn được chiếu soi qua lăng kính của ánh sáng Tin mừng, bởi vậy, mọi điều tốt đẹp đều đến từ Thiên Chúa. Vậy, đức tin phải biết suy tư để làm phong phú hóa, và phải đón nhận một cách chân thành để có lòng mến.


Thứ Năm, 24 tháng 9, 2020

 

Tìm Kiếm

Ngay từ lúc được hiện diện trong thế giới này, Thiên Chúa đã ban cho con người một gia đình, để trong gia đình đó, con người được yêu thương. Ngài cũng ban cho con người tất cả mọi sinh vật trong vũ trụ, để con người được làm chủ và hưởng dùng. Như trong Thánh Vịnh đã ca tụng rằng: “Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (Tv 8, 6-7). Tuy nhiên, vì tội nguyên tổ đã làm đổ vỡ mối tương quan mật thiết giữa con người với Thiên Chúa, để hôm nay, dù ở trong lầu hoa đài các, hay là vua chúa quan quyền cho tới những người bé mọn nhất trong xã hội vẫn phải đi tìm kiếm Chúa và khát khao Ngài. Thánh Âu-Tinh cũng đã thốt lên rằng: “Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, nên lòng chúng con khắc khoải cho tới khi được yên nghỉ trong Chúa”.

Trên chuyến hành trình ở chốn dương gian này, con người đi tìm kiếm mọi thứ mà họ thiếu và cần. Sống giữa gian trần này, con người đi tìm của cải, vật chất danh dự. Người ta đi tìm bạn bè, cũng có những người phải đi tìm người thân vì bị thất lạc. Con người đi tìm sự sống, trong lịch sử ghi lại những con người đi tìm thuốc trường sinh bất tử để mong ước có thể sống mãi để hưởng thụ lạc thú ở trần gian mãi mãi. Nhưng dù có tìm kiếm vinh hoa hay phú quý ở trần gian, cũng chưa bao giờ làm con người ta cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn. Và đặc biệt đứng trước cái chết sinh học, người ta muốn đi tìm phương thuốc để cứu chữa nhưng đó chỉ là mộng tưởng do con người dựng nên. Bởi vậy, con người luôn luôn có một tâm thức, đi tìm kiếm Đấng Tạo Dựng. Thật vậy, Thiên Chúa là Đấng mà con người luôn khát khao và kiếm tìm, bởi vì ta cần Ngài và chỉ có Ngài mới thoả mãn những gì ta đang gặp phải. Vậy, tìm kiếm Thiên Chúa là “hành động con người vận dụng để tìm kiếm Đấng Tạo Hoá. Đây là khuynh hướng tự nhiên của con người, một hữu thể tôn giáo. Thiên Chúa đã đặt để nơi con người nỗi khao khát tìm kiếm Ngài, để trong Ngài con người được sống và tìm thấy hạnh phúc” (GLHTCG 30, 45).

Ngay từ lúc tạo dựng, Thiên Chúa đã để cho con người sống trong một cộng đoàn, chứ không phải sống đơn độc và riêng lẻ. Cộng đoàn đầu tiên mà con người sống cùng nhau đó là, các mối tương quan trong đời sống gia đình. Trong sách Sáng Thế đã diễn tả rằng: “Thiên Chúa dựng nên con người có nam, có nữ” (St 1, 27). Từ gia đình mỗi người đã phát triển và mở rộng ra các mối tương quan, bạn bè, hàng xóm, xã hội... Sống trong xã hội loài người, con người đối xử với nhau bằng nhiều mặt khác nhau, con người đối xử với nhau bằng tình huynh đệ yêu thương, nhưng cũng có những con người đối xử với nhau như kẻ thù muôn kiếp. Tuy nhiên, con người được “Thiên Chúa sáng tạo theo hình ảnh của Ngài” (St 1, 27), vì thế trong mỗi một con người đều mang hình ảnh của Thiên Chúa và có một phẩm giá ngang bằng nhau. Bởi vậy, trong mọi mối quan hệ với nhau con người phải tìm thấy Chúa trong tất cả mọi người, để yêu thương và tôn trọng. Để duy trì sự sống thể xác, con người cần làm việc để có miếng cơm manh áo, để có sự công bằng trong xã hội, con người phải tham gia vào các cộng đoàn chính trị và để có một cuộc sống sung túc đầy đủ, con người phải tham gia vào các nghiên cứu khoa học và xã hội. Để được hạnh phúc và sung túc ở đời này, mỗi người cần phải “mang vào” chứ không phải bàng quan trước mọi lĩnh vực trong xã hội. Thật vậy, dù có làm “bất cứ việc gì, hãy tận tâm như thể làm cho Chúa, chứ không phải cho người đời” (Cl 3, 23). Trong mọi công việc mỗi người đều có thể tìm thấy Chúa, vì Ngài luôn hiện diện ở mọi nơi để đồng hành cùng con người.

Trong kiếp sống này, ta thường bận rộn với sự mưu sinh và sự thăng tiến của bản thân. Là con người ai cũng phải mang vác biết bao trách nhiệm và bổn phận mà Thiên Chúa giao phó. Vì thế, nhiều lúc ta cảm thấy mệt nhọc và yếu đuối, vì bản chất của con người là yếu đuối và hay sa ngã. Bởi vậy, đôi lúc ta phải dừng chân, tạm gác lại dòng chảy của cuộc đời, để đến với nhà Chúa, đi vào trong Giáo hội, nơi đó ta được yêu thương, nâng đỡ và dễ dàng tìm gặp được Ngài. Ngay từ lúc mới lọt lòng mẹ, ta được mời gọi đến với Giáo hội, để qua Giáo hội ta được lãnh nhận các bí tích. Trước hết, ta được lãnh nhận bí tích rửa tội, khi lãnh nhận bí tích rửa tội, ta được nên một với Chúa Giê-su. Trong các bí tích ta được gặp gỡ Thiên Chúa và nhờ sự hoạt động của Chúa Thánh Thần trong các bí tích, ta được ban cho nguồn sống mới, được ban cho một “tinh thần trẻ”, để ta đủ sức vượt qua mọi cám dỗ và yếu đuối của phận người. Đến với Giáo hội ta gặp được Chúa trong các giờ kinh, ta được gặp Chúa qua “Lời của Ngài”, ta được hướng dẫn dưới ánh sáng Tin mừng của Chúa, như trong Thánh Vịnh đã dạy ra rằng: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng dẫn đường con đi” (Tv 119, 105).  Để rồi từ đó, khi đứng giữa ngã ba cuộc đời, đứng giữa mọi gánh nặng vất vả của kiếp sống nhân sinh, ta luôn được Lời Chúa dẫn lối đưa đường. Và ở đây, ta được gắn bó mật thiết với Thiên Chúa trong thân thể duy nhất, như Chúa Giê-su đã nói: “Thầy là cây nho, anh em là cành” (Ga 15, 5).

Giữa các hoạt động đời thường, giữa những sinh hoạt tôn giáo, có khi nào ta dừng lại để nghe tiếng lòng mình chưa? Có khi nào ta tự hỏi liệu trong tâm hồn ta có để cho Chúa một chỗ đứng không, và Ngài ở vị trí nào trong tâm hồn của ta? Trong kinh nghiệm lịch sử Cựu Ước ta thấy rằng, các tổ phụ khi đứng trước mọi biến cố đều một mình “lên núi cầu nguyện” với Chúa. Trong Thánh Kinh Tân Ước, ta thấy hình ảnh của Chúa Giê-su, dù rằng Ngài là Thiên Chúa, nhưng ta thấy mỗi ngày Ngài đều tránh xa chốn ồn ào, huyên náo, tạm gác mọi công việc, để tìm một chỗ riêng tư, rồi cùng hàn huyên tâm sự với Chúa Cha. Khi ta tĩnh lặng, mọi ồn ào của cuộc sống, tĩnh lặng các giác quan của mình, lúc đó, ta bước vào một mối tương quan cá vị với Chúa. Để rồi từ đó, Thiên Chúa ngỏ lời với ta những điều mà Ngài muốn ta thực hiện, Ngài cũng sẵn sàng lắng nghe mọi lời giãi bày tâm sự, cầu xin và van nài của ta. Khi sống một cách cá vị với Thiên Chúa, mỗi người nhận ra Thiên Chúa có một vị trí đặc biệt trong trái tim của mình. Thiên Chúa phải luôn đứng hàng đầu trong mọi dự định kế hoạch, trong mọi lời nói cũng như việc làm của ta, bởi vì nếu “không có Thầy anh em chẳng làm gì được” (Ga 5, 15). Bởi vậy, tìm Chúa trong tâm hồn mình là điều cần thiết, để ta nhận biết Ngài là ai đối với cuộc đời của ta.

Dù rằng Thiên Chúa luôn hiện diện trong mọi khoảnh khắc của đời sống chúng ta, nhưng có nhiều lúc ta đi tìm nhưng sao chẳng thấy? Xã hội hôm nay đầy biến động, dịch bệnh lan tràn giết chết hàng ngàn người, sự ác đang tràn lan, con người ganh ghét, hận thù chém giết lẫn nhau. Các quốc gia vì hám lợi, ôm mộng bá chủ trái đất mà chạy đua quân sự, vũ trang, coi mạng người như cỏ rác. Con người cảm thấy hoang mang khi lấy đức tin của mình soi chiếu vào khoa học, xã hội, văn hoá. Ngay trong chính Giáo hội là nơi được chiếu dãi ánh sáng Tin mừng, nhưng những “scandal” lạm dụng tình dục trong hàng giáo sĩ và bao nhiêu tội lỗi khác mà một số nhỏ “các chi thể” trong Giáo hội vương phải, làm cho dân Chúa hoang mang. Đứng trước một thực tại đau buồn như vậy, con người dần mất phương hướng, họ bắt đầu tự hỏi liệu có còn Thiên Chúa không, hay Ngài đã chết rồi? Dẫu trong hoàn cảnh nào, dù sự ác lan tràn khắp mặt đất, hình ảnh Thiên Chúa có bị con người đưa vào làm “bức tranh của quá khứ”, nhưng Lời Chúa vẫn vang mãi và Ngài luôn hiện diện. Thánh Phao-lô đã xác quyết rằng: “một khi Đức Ki-tô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Ngài chết nữa, cái chết không còn quyền chi đối với Người” (Rm 6, 9). Bằng chứng rõ nét nhất về sự hiện diện luôn luôn của Thiên Chúa là từ khi Giáo hội được thành lập, đã trải qua biết bao gian nan khốn khó, các thế lực sự dữ trong và ngoài Giáo Hội ra sức tàn phá, nhưng Giáo hội luôn đứng vững, bởi Chúa Giê-su đã khẳng định rằng: "Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được" (Mt 16,18). Hơn nữa, ở cuối Tin mừng của Thánh Mát-thêu, Chúa Giê-su cũng đã hứa rằng: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).

Con người ở mọi thời luôn phải đi tìm kiếm Chúa, bởi con người luôn khao khát Ngài và con người chỉ được sống và no thoả khi ở trong Ngài, như trong Tin mừng đã diễn tả: “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh nhưng còn bởi Lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4, 4). Ngay trong chính ơn gọi của mỗi người, mỗi ngày ta luôn phải đi tìm, để biết Thánh ý của Chúa và hành động theo ý muốn của Ngài. Bởi vì, con người chỉ đạt tới hạnh phúc trọn vẹn khi thi hành ý muốn của Thiên Chúa và gắn bó với Ngài. Vậy, nhiệm vụ chính yếu của con người là đi tìm kiếm Chúa, để nhận ra và đón nhận tình yêu thương của Ngài, để rồi từ đó ta dám lên đường ra đi tới các “vùng ngoại biên” để ra truyền Lời Chúa. Trong chốn dương thế này, ta biết tìm kiếm Chúa và giữ luật yêu thương của Ngài thì mai này ta sẽ được hưởng hạnh phúc với Ngài, như Chúa Giê-su đã hứa rằng: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em” (Ga 14, 2).

 

Thứ Năm, 14 tháng 5, 2020

Tuổi Thơ
Lui về tuổi thơ ta vui sống
Tự tại an nhiên với ruộng đồng
Hòa với thiên nhiên ta bỏ lại,
Tháng ngày bận rộn kiếp long đong
Cắt cỏ chăn trâu ta nhớ lại
Tuổi thơ năm ấy mãi thong dong
Chẳng cần nghĩ suy tương lai ấy
Cùng dắt nhau về tắm dưới sông

Thứ Hai, 11 tháng 5, 2020

Xây! 
Xây chùa chưa chắc  tốt lành 
Xây nhà hướng thiện lòng thành quên danh
Người xưa xây móng dựng thành
Để cho an nước giao tranh chẳng đành
Người nay biệt phủ tranh giành
Vì sang muôn kiếp vì danh muôn đời 
Nào ngờ phí phạm của trời
Lòng người oán thán trời ơi chăng trời 
Xây chi phí lắm của đời
Của đời tạm bợ hồn người nơi đâu
Tưởng rằng vì cõi ngàn sau
Nào ngờ chẳng phải vì hau háu nhìn
Người ta xây nên chữ tình 
Ta đây vì lợi vì nghìn chữ đô
Để cho vạn nước tung hô
Cúi đầu nhìn ngắm cao rao mình tài
Từ Bỏ

Từ khi được sinh ra trong cõi đời, ta được Tạo Hóa ban cho ân phước làm chủ muôn loài. Con người được tự do hưởng dùng tất cả mọi thứ ở thế gian này. Tuy nhiên, đối với con người chẳng bao giờ no thỏa, luôn muốn giành lấy về mình phần hơn. Dù rằng bàn tay ta nhỏ bé chỉ chứa đựng được một chút nào đó nhưng hầu như ta không chấp nhận điều đó. Và ta luôn tìm đủ mọi cách nới rộng bàn tay của mình ra để vơ lấy tất cả những gì có thể.

Trong chuyến hành trình ở chốn dương gian này, có những lúc ta cảm thấy hạnh phúc tột cùng, có những lúc ta cảm thấy buồn chán tột độ. Hầu như trong một ngày sống của mình, ta cảm thấy buồn nhiều vui ít. Trong lòng ta luôn cảm thấy xao xuyến bất an vì một vấn đề nào đó. Niềm vui có chăng cũng chỉ ở với ta một lúc, tựa bóng câu qua cửa sổ, còn nỗi buồn thì cứ bám mãi lấy ta chẳng chịu rời. Có nhiều lúc ta tự hỏi, tại sao nỗi buồn lại chiếm khoảng thời gian sống của ta nhiều như vậy? Có phải đó là định mệnh của kiếp nhân sinh? Hay là vì một lí do nào đó mà lí trí hạn hẹp của ta chưa thể thấu đạt? Có phải chăng giữa dòng đời tấp nập, với những lo toan bộn bề, với những bổn phận hằng ngày ta bị đưa vào vòng xoáy của cuộc đời, để rồi coi đó là điều hiển nhiên mà không nhận ra rằng: “ta khổ là do ta chưa biết từ bỏ”.

Mục đích đưa ta vào đời là Tạo Hóa muốn ta sống hạnh phúc giữa cuộc đời này. Tuy nhiên, không phải khi được hiện diện trên trái đất ta chỉ lo hưởng dùng mọi thứ xung quanh và chỉ biết đến mình, nhưng Tạo Hóa còn trao cho ta những bổn phận và trách nhiệm. Trước hết Ngài trao cho ta bổn phận làm chủ mọi loài dưới đất, kế đến Ngài trao cho ta trách nhiệm phải tiếp tục duy trì công cuộc sáng tạo của Ngài. Thánh Gioan đã quả quyết “Thiên Chúa là tình yêu”, vì thế trách nhiệm hàng đầu mà Thiên Chúa trao cho con người là sống yêu thương nhau. Xã hội loài người là một quần thể sống động, luôn cậy dựa vào nhau để phát triển. Trải qua quá trình lịch sử, cho ta nhận thấy rằng, sống ở trên thế gian này không có ai sống độc tài mà được hạnh phúc, nhưng phải biết kết nối với mọi người xung quanh.

Giữa dòng đời tấp nập, bàn chân ta vội bước để theo tiến trình phát triển của xã hội, ta chạy đua với những danh vọng mà quên mất căn tính của mình. Ta luôn muốn phần hơn về mình, dù biết rằng những thứ đó không phải là của ta. Khi ta yêu một ai đó, ta biết rằng họ không yêu ta nhưng ta cứ mãi cố chấp, ép buộc người ta cũng yêu ta như ta yêu họ. Khi ta ước muốn một thứ nào đó ta biết rằng ta không phù hợp với những thứ kia nhưng ta vẫn cố tình chiếm hữu cho bằng được. Dù có những lúc gạo đầy nhà, tiền đầy túi nhưng ta vẫn muốn tiếp tục vơ vét, ta ước rằng nhà ta to hơn nữa để ta có thể chiếm lấy mọi thứ về phần mình. Con người ta khi nhắc đến hai chữ “từ bỏ” ta cảm thấy bị dị ứng, khi nghe đến “từ bỏ” ta vội bỏ lơ, cố tình chạy trốn khỏi tiếng nói lương tâm đang thúc dục ta.

Người xưa dạy rằng muốn hạnh phúc thì phải biết từ bỏ, từ bỏ những thứ không thuộc về ta, để ta có thể sống an nhiên. Trong khoảnh khắc nào đó trong cuộc đời, ta và người đó yêu nhau nhưng vì một lí do nào đó cả hai người cũng phải học cách buông bỏ để chọn lấy hạnh phúc cho mình. Sống trong gia đình luôn là điều tuyệt vời nhất của bất cứ ai, nhưng đến một lúc nào đó ta cũng phải học cách buông bỏ những quyến luyến để lên đường bước theo con đường của mình. Trong vũ trụ bao lao này, mỗi người sẽ có một con đường riêng của mình. Không ai có thể bước đi thay ta, không ai có thể sống hạnh phúc thay ta, dù cha mẹ ta có yêu thương ta nhưng các ngài cũng không thể sống thay ta dù chỉ một giây. Từ bỏ quả là điều khó khăn, không thể nói từ bỏ là bỏ ngay được nhưng đó là một quá trình nổ lực của ta. Từ bỏ cũng là một đức tính yêu thương, ta từ bỏ người không yêu mình là giải thoát cho họ, từ bỏ một điều gì đó để giúp đỡ người khác là yêu thương họ. Ta buông bỏ những quyến luyến để lên đường sống hạnh phúc là ta đã yêu thương người thân của ta.

Con người vốn dĩ yếu đuối và luôn tồn tại những dục vọng trong mình. Từ bỏ là đức tính tốt để giúp ta loại bỏ những dục vọng để thắng tiến bản thân. Từ bỏ là điều kiện cần thiết để giúp ta sống hạnh phúc. Và khi ta biết từ bỏ cũng là lúc ta nhận biết được vai trò của mình ở thế gian này, là sống yêu thương nhau. Quả vậy, tự mình ta khó có thể từ bỏ mọi lời mời gọi xung quanh, vì cám dỗ luôn đến với ta một cách ngọt ngào và êm ái. Bởi vậy, ta cần ngước trông lên Đấng đã đưa sinh ra ta, Đấng đã cất tiếng gọi ta vào đời, Đấng đã đoái nhìn đến ta khi ta còn trong lòng mẹ, để thưa lên lời khấn nguyện van nài. Để trong mọi ngày đời ta biết học cách từ bỏ từng giây phút.

Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2020

Mẹ
Từ thuở hồng hoang khắp cõi trần
Con là cát bụi chốn nhân gian
Ngài thương chọn gọi mời con tới
Vui với nhân gian hưởng phúc nhàn
Ngài tác tạo con trong dạ mẹ
Dệt nên ân nghĩa với tình thân
Tấm thân con, chảy dòng máu mẹ
Suốt cuộc đời, con mãi sống an

Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2020

Dâng Mẹ
Ve kêu vang tiếng rộn hè
Hoa kia nở rộ cùng khoe sắc màu
Chim trời hòa tấu cùng nhau
Làm nên khúc nhạc dâng tâu vua Trời
Mẹ ơi hoa đã nở rồi
Đoàn con kính Mẹ dâng lời ngợi khen
Đời con thân phận thấp hèn
Phận đời nghiệt ngã bao phen mê lầm
Mẹ ơi mẹ hãy thì thầm
Để đoàn con tránh tham lam cõi trần
Cõi đời tạm bợ lầm than
Phù vân tan biến gian trần chóng qua 
Mẹ ơi xin dạy lời ca
Trần gian kết nối thiên hà nguyện kinh
Ồn ào xin hãy lặng thinh
Để cho khắp chốn tường minh Ngôi Lời
Ngợi khen danh Thánh không ngơi
Trên tay tràng chuỗi dâng lời nguyện xin

Thứ Năm, 7 tháng 5, 2020

Ngỡ
Ngày đó gặp nhau anh cứ ngỡ
Ông tiên bà nguyệt đã giăng tơ
Kết nên sợi chỉ buộc nhau lại
Cùng dắt nhau về một bến mơ
Em biết chăng em giờ vỡ mộng
Hồn anh xao xuyến với nôn nao
Bởi lòng em đã về bên ấy
Để chốn nơi này anh mãi chờ

Thứ Hai, 4 tháng 5, 2020

Ngộ Nhận

Ngài chẳng gọi sao còn cất tiếng
Mắt con mù cứ ngỡ điềm thiêng
Sao đành đùa giỡn phận đời con
Để mãi lênh đênh chẳng vững kiềng
Chân mỏi mắt mờ tìm chẳng thấy
Gian trần im tiếng chốn linh thiêng
Đành thôi chấp nhận kiếp con người 
Cũng bởi mù mờ ngộ tiếng truyền.

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2020

Ca Ngợi

Tất cả thinh không Ngài sáng tạo
Muôn sao tinh tú nhảy reo hò
Khắp nơi dương thế nào ca tụng 
Sông núi hồn thiêng mãi kính thờ.

Chúa ở trên ngai đang đoái đến
Muôn dân vạn nước chốn sang hèn
Tung hô dâng tiến lời ca ngợi
Phủ phục tôn thờ đợi lộc Thiên.

Muôn dân muôn nước đang mong đợi
Ân lộc Ngài ban chan chứa đời
Đền Thánh nơi đây Ngài trú ngụ
Thánh ân tuôn đổ mãi không thôi

Tiến vào đền Thánh nào ca ngợi
Vạn tiếng tung hô dâng tới Trời
Mở rộng lòng ngay ta đón nhận
Bởi Ngài đã thấu phận con người.



Thứ Tư, 22 tháng 4, 2020

Tình Thế!

Chúng đang tự mãn gian ngoa
Coi thường thần thánh bắc loa rao truyền. 
Tụng ca mình đấng tinh tuyền
Oai phong tự mãn luyên thuyên về mình.
Ơn lành do Đấng vô hình
Trao ban ân huệ dân tình an nhiên.
Ngắm xem vũ trụ dịu hiền
Nơi nào chẳng có tay Thiên tra vào.
Nhưng sao bây vẫn tự hào
Coi mình cứu thế trên cao giáng trần.
Bao phen bây phá nhân gian
Đẩy đưa dân nước lầm than khốn cùng.
Giờ đây bây vẫn oai hùng
Có ngày quả báo đường cùng trốn đâu?

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2020

Buồn!
Đời mà! Nào ai có thể tránh được những nỗi buồn của kiếp người. Buồn đến bất chợt và ra đi một cách vô tình. Nỗi buồn đến từ đâu? Có những nỗi buồn ta biết được xuất phát điểm, nhưng cũng có những nỗi buồn ta cũng chẳng rõ vì nó đến một cách mập mờ và vương phải ta như một cuộc tình lượn lờ. Cuộc đời có nhiều điều làm ta phải buồn, khi ta gặp một sự cố nào đó, khi ta bị dang dở một cuộc tình, hay khi ta phải sống trong cảnh chia ly. Nỗi buồn cũng đến vào những ngày trời không có nắng, khi mây đen kéo đến vây kín cả bầu trời, khi những giọt mưa vô tình rơi ngoài sân cỏ cũng có thể làm ta buồn. Thiết nghĩ rằng nỗi buồn phải luôn tồn tại trong thực tại của con người, vì nó giúp ta nhận ra ta yếu đuối, nó giúp ta nhận ra ta sống phải cần các mối tương quan. Mối tương quan với trời, những hơi thở hằng ngày giúp ta duy trì cuộc sống, những giọt mưa hay ánh nắng, hay khi ta nằm giữa trời đất bao la ngước mắt lên trời ta thấy mình nhỏ bé giữa vũ trụ bao la này, ta thấy mình cần phải “sống với trời”. Mối tương quan với người, khi sinh ra ta đã có các mối tương quan của mình, ta có cha mẹ, có anh chị em, có người thân, hàng xóm. Lớn lên khi biết chạy nhảy tung tăng với đời, ta có bạn bè để cùng vui buồn, khi buồn ta có bạn để nhậu, khi vui ta cũng có bạn để nhậu. Nỗi buồn giúp ta nhận ra được nhiều điều trong kiếp sống nhân sinh này, nhưng khi đang sống với nó và để cố thoát ra khỏi nó quả là một điều khó khăn đối với ta. Nhiều khi ta phải chờ thời gian xóa nhòa đi tất cả, hay là có những nỗi buồn chỉ cần sau một giấc ngủ cũng làm ta quên đi. Nỗi buồn là một loại cảm xúc, nó đến một cách bất chợt, ta có thể đuổi nó đi xa được hay không là tùy vào lí trí của mình. Nó đến nhanh hay chậm là khi ta đối diện với nó ta cố chạy trốn nó hay là biết đối diện để đối thoại và tìm ra cách thức loại bỏ nó.
(By: Hope, ngày 07/04/2020)
ĐỨC HẠNH!
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? (Trịnh Công Sơn) Để gió cuốn đi đến mọi ngóc nghách của cuộc đời. Giữa bao la đất trời, có biết bao nhiêu loài hoa được mọc lên, mỗi bông hoa có màu sắc và mùi vị khác nhau. Hoa luôn khoe mình giữa vũ trụ mênh mông, không lui sâu để nép mình và hương hoa luôn được tỏa đi theo cơn gió, gió mang hương hoa đến mọi nơi, từ lầu hoa đài các cho đến nhà tranh đơn sơ.

Con người cũng tựa như các loài hoa, được Tạo Hóa sinh vào đời, sống hiên ngang giữa trời đất không phải chui rúc trong hang sâu như các loài rắn, chuột...vv. Đặc trưng của hoa là màu sắc bên ngoài và mùi hương của nó. Màu sắc của nó dù có đẹp đến bao nhiêu có làm ta vương vấn ra sao thì cũng chỉ một chút thoáng qua nhưng mùi hương của hoa mới làm ta mãi vấn vương lưu luyến, vì khi ngửi thấy mùi hương của hoa làm ta phải đi tìm, để biết được đó là loại hoa gì. Con người cũng vậy, cũng có nét đặc trưng riêng. Nét đặc trưng đó phải chăng là hình dáng thon gọn, những đường cong mỹ miều, hay là một thân hình cường tráng men lì? Trong nhân gian có câu rằng: “trâu chết để da, người chết để tiếng”. Nghĩa là con trâu dù có chết thì bộ da của nó vẫn được dùng vào một việc có ích lâu dài, người ta sau khi chết sẽ không bị lãng quên nếu để lại được danh thơm tiếng tốt. Có thể nói rằng hương thơm của con người chính là đức hạnh. Vì khi có đức hạnh mọi lời nói, hành động của con người đều mang một giá trị nhân văn hết sức cao cả.

Thời cổ đại, các bậc thánh nhân đều cho rằng đức là điều kết nối con người với trời và với người. Và đức là sự lòng lành của con người; nết tốt của mỗi người ấy là hạnh. Lòng lành ấy được ban rải khắp mọi nơi, nết tốt ấy làm gương mẫu cho xã hội.  Trong bất cứ xã hội nào, quan niệm của con người có thể thay đổi, nhưng tiêu chuẩn làm người kỳ thực là không đổi. Dù ít hay nhiều, tiêu chuẩn đức hạnh vẫn luôn tồn tại trong mỗi chúng ta, là tiêu chuẩn để đánh giá tốt xấu, đúng sai. Cho dù người ta có cố ý giẫm đạp lên tiêu chuẩn này thì cũng mơ hồ hiểu được đạo lý trong đó. Bởi vì lương tâm luôn tồn tại trong mỗi người, chỉ là đối với mỗi người nó ở vị trí nào. Ở chốn nhân gian này, không có gì là tình cờ cũng không có gì là bất ngờ, mọi thứ ta có được không tự nhiên mà đến, những phải trải qua một quá trình tìm kiếm và lượn nhặt. Đức hạnh cũng vậy, dẫu biết rằng cổ nhân có câu “nhân chi sơ tính bản thiện”, bản chất con người luôn hướng tới điều thiện nhưng nếu ta không biết tu dưỡng rèn luyện mà buông thả cho các dục vọng trong ta cứ lớn dần thì ta sẽ trở thành những kẻ bất hạnh.

Có hay chăng một đức hạnh đứng yên (chỉ co cụm với chính mình)? Có hay chăng một đức hạnh luôn bàng quan trước tình nhân thế thái, trước những mảnh đời bất hạnh, trước những nghịch cảnh của xã hội? Nếu ai đó nói rằng đức hạnh của tôi luôn ở trong tâm, trời sẽ thấu rõ lòng tôi, tôi không nhất thiết phải hành động để đức hạnh được sáng tỏ. Thật vậy, nếu có một đức hạnh đứng yên thì đó không phải là một đức hạnh thuần túy nhưng đó là kiểu đức hạnh theo ngôn ngữ riêng của một ai đó. Quả vậy, hương thơm của đức hạnh chính là hành động vì khi ta có đức hạnh tức là ta biết nhìn lên trời để hướng về thượng trí và ta biết kết nối với người để trao yêu thương. Là con người ai cũng mong muốn yêu và được yêu vì thế có một vĩ nhân đã nói rằng “nếu ta muốn người ta làm điều gì đó cho mình thì trước hết mình phải làm điều ấy cho họ”. Vì thế trước khi ta muốn được yêu thương thì ta phải yêu thương người khác, yêu thương người khác không đơn thuần chỉ trên môi miệng nhưng phải thể hiện bằng những hành động cụ thể của mình. Ta nói ta yêu người nhưng ta chỉ đứng nhìn khi người ta đau khổ và chỉ nói lời yêu nhưng không chạy đến bên họ, ân cần trao gửi những cử chỉ yêu thương, thì đó có được gọi là tình yêu chăng, có được gọi là người có đức hạnh không? Có phải chăng đức hạnh luôn luôn phải hành động để mọi nết tốt của ta luôn đến được với người?

Thế giới hôm nay có biết bao nhiêu điều bất hạnh xảy đến với con người. Thiên tai lũ lụt mỗi năm thêm khắc nghiệt, con người coi thường nhân mạng, hận thù được giải quyết bằng bạo lực. Đặc biệt hiện nay, toàn thể nhân loại đang phải đối diện với con virus Vũ Hán, từ khi nó xuất hiện nó đã cướp đi hàng nghàn sinh mạng. Con virus này người ta nghi ngờ rằng đây là sản phẩm của những kẻ thiếu đức hạnh, những kẻ gạt bỏ lương tâm, bất chấp luân thường đạo lý để đạt được mục đích riêng. Con virus đó đã gây nên bao cảnh đau thương, những tiếng than khóc, kêu cứu vọng tới trời xanh, vì vương phải nó hay vì không có thiết bị y tể để bảo hộ và thiếu lương thực, thực phẩm một cách trầm trọng. Trước những nghịch cảnh như thế một số người bàng quan, họ không quan tâm đến tình cảnh chung, chỉ biết chăm lo cho bản thân mình. Họ thừa cơ để trục lợi, khẩu trang tăng giá, thực phẩm đắt đỏ, giá điện tăng cao, người người chen lấn để giành giật thực phẩm trong các siêu thị. Có phải chăng đây là lúc cái đức lên tiếng, cái hạnh vào đời, để xây dựng lại trật tự sống, xây dựng lại tình thương để giảm bớt tiếng than khóc ai oán.

Thật vậy, hơn lúc nào hết đây là lúc cấp thiết để đưa hương thơm của đức hạnh bay vào đời, là lúc dùng những ngọn gió để mang đức hạnh đến với mọi ngóc nghách của cuộc đời. Từ đồng quê cho đến thành thị, từ kẻ hèn cho tới người giàu sang đều phải giang tay kết nối đức hạnh đưa hành động yêu thương vào đời. Lúc này đây mọi phẩm chất của đức hạnh được thể hiện qua những hình ảnh, các y bác sĩ quên mình không màng tới sự sống chết để cứu chữa các bệnh nhân, các nam thanh nữ tú, những người thiện tâm ra đường phát từng khẩu trang, mang từng túi gạo đến cho những người cần. Nhà nhà nối lửa yêu thương bằng những củ sắn, củ khoai trao cho nhau để duy trì sự sống. Những ông cố bà già, cho tới các em bé quỳ gối cầu nguyện trước Thượng Đế để xin Ngài thương ban bình an trên tất cả mọi người. Trong mọi hoàn cảnh đức hạnh sẽ lên tiếng bằng hành động, đặc biệt là trong những nghịch cảnh của cuộc đời hương thơm của hành động tốt sẽ minh chứng và tỏ rõ cho những ai có đức hạnh.

Hương thơm của con người là đức hạnh, hương thơm của đức hạnh là hành động. Sống trên đời cần có đức hạnh để kết nối con người với trời và với người. Vì con người là một quần thể sống có mối dây liên hệ khăng khít với nhau. Trong lúc này đây, trong lúc con virus Vũ Hán đang hoành hành chắc ai cũng thấy được rằng, không ai được phép ích kỷ, nếu mình ích kỷ mình không thể sống được môt mình, nếu mình không yêu thương thì chính mình và mọi người sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy đức hạnh là điều tối cần của con người, mong sao mọi người nhận rõ để cùng nhau nối dài yêu thương.
(By: Hope, ngày 08/04/2020)
Bận lòng!
Ngay từ thuở ban đầu tạo dựng, Thiên Chúa đã mời gọi con người tiếp tục công trình sáng tạo của Ngài. Ngài mời gọi con người làm chủ trái đất, phát triển nòi giống, chăm sóc thiên nhiên và tiếp tục duy trì, phát triển kỳ công Ngài đã dựng nên. Tuy nhiên, con người vẫn còn mãi mê với chính mình mà quên đi lệnh truyền Chúa đã ban.

Trải qua quá trình lịch sử con người vẫn được Thiên Chúa yêu thương, Ngài vẫn luôn ở bên con người để tiếp tục đồng hành và dạy dỗ họ. Suốt quá trình lịch sử Ngài mời gọi con người bận lòng cùng Ngài với các giá trị đạo đức, lề luật và tình yêu. Tuy nhiên, con người luôn đáp trả lại bằng những trái nghịch và lỗi phạm. Và rồi đến một ngày con Thiên Chúa giáng trần, khi xuống thế Ngài mang một niềm hy vọng, mong sao kéo con người quay về với Thiên Chúa, mong sao khi Ngài đến con người sẽ biết bận lòng cùng Ngài để quay lại với trật tự ban đầu là sống với Thiên Chúa để cùng yêu thương nhau. Ngày con Thiên Chúa giáng trần cả triều thần thiên quốc hoan hỷ vui mừng, thiên thần loan báo tin mừng trọng đại, tiếng trống kèn vang được các thiên thần nổi lên để mừng vui cho cái vui của nhân loại. Nhưng trái nghịch với cảnh vui mừng của triều thần thiên quốc, con người thờ ơ lạnh nhạt, ngay lúc đó con người đã gạt bỏ vị cứu tinh của mình qua một bên, để Ngài phải sinh ra trong cảnh giá rét giữa trời đông lạnh lẽo.

Trải qua ba mươi ba năm sống với con người, con thiên Chúa luôn bận lòng với con người mỗi ngày. Ngài bận lòng vì vẫn còn những kẻ nghèo đói, những người cô thế cô thân, những người thấp cổ bé miệng. Ngài bận lòng với những kẻ bệnh hoạn tật nguyền, những người không ai chăn dắt hướng dẫn. Ngài bận lòng với những cô gái điếm chưa sám hối, những kẻ thu thuế chưa quay về chính lộ. Ngài bận lòng vì những biệt phái, luật sĩ vẫn còn tự hào mình là chuẩn mực đạo đức để mọi người phải noi theo. Ngài bận lòng đến đổ lệ khi Ladaro chết, khi nhìn công trình đền thờ Giêsusalem sau này sẽ bị tan tác. Ngài còn bận lòng vì người ta chưa nhận biết Thiên Chúa là tình yêu, chưa nhận ra bộ mặt yêu thương của Ngài để biết chạy đến bên Ngài như những đứa con đến bên cha mình. Ngài bận lòng vì niềm tin của con người vẫn còn yếu kém, các môn đệ lúc đó theo Ngài chỉ vì cái danh trần thế, Ngài bận lòng vì trong nhóm mười hai chưa đoàn kết vì địa vị trần gian. Ngài bận lòng khi Phê-rô chối mình, khi Giu-đa bán mình.

Những nỗi ưu tư của Ngài, những bận lòng ấy Ngài đã đưa đến hành động là chấp nhận bước vào cuộc khổ nạn để cứu chuộc con người thoát khỏi mọi tội lỗi. Nhưng những nỗi bận lòng của Ngài được đáp trả bằng những lời nói dối, những hành động phản bội. Trong  vườn Gethsemani khi Ngài bị bắt các môn đệ bỏ chạy toán loạn, những kẻ mới hôm nào đó được Ngài chữa lành bây giờ lên tiếng hãm hại Ngài. Những đòn roi vô cớ dáng xuống trên thân xác của Ngài, những chứng gian vô tình, lạnh lùng sỉ vả vào mặt Ngài. Ngài vẫn im lặng chấp nhận, Ngài vẫn luôn cầu nguyện cho họ, dù có đòn roi, dù có rách nát cả thân mình ra, Ngài vẫn tỏ ánh mắt yêu thương nhìn Phê-rô. Tuy nhiên, khi trên đường vác cây Thập Giá lên núi nọ, đã có ai ở xung quanh đó để bận lòng với sức nặng của Thập Giá không? Các môn đệ đâu cả rồi? Những người mới hôm nào đó nhận được ơn chữa lành đâu? Mọi người đã đi đâu cả rồi, hay vẫn còn đó, vẫn còn lẫn trốn trong đám đông chỉ biết đứng từ xa để nhìn Ngài vác Thập Giá một mình.

Khi Ngài vác Thập Giá có mấy người bận lòng cùng Ngài, lúc đó chỉ có mấy người phụ nữ yêu mến Ngài đứng ngoài khóc thương Ngài. Có một người mẹ luôn hành trình cùng Ngài trong mọi chặng đường của cuộc tử nạn, có một bà mẹ hiên ngang bước ra gặp con của mình để an ủi, có một Vê-rô-ni-ca dũng cảm bước ra bất chấp sự táo tợn của bọn lính để trao khăn cho Người lót mặt. Và cũng còn lại một con người biết bận lòng cùng Chúa, biết bận lòng trước tình yêu để rồi bất chấp gánh nặng của Thập Giá để vác đỡ cùng Ngài một đoạn đường. Người đó tên là Xi-môn, ông chỉ là người ngoại giáo, lúc đó ông chưa phải là người theo Chúa như các môn đệ. Nhưng khi ông dám bước ra để đỡ Thánh Giá cho Chúa, chắc chắn ông cũng đã biết một chút về Chúa và có niềm tin vào Ngài. Không ai lại bất chấp nguy hiểm đi giúp đỡ một tên gian phi, một kẻ tội lỗi đáng bị người đời lên án. Không ai lại dám bận lòng giúp đỡ, khi xung quanh người đó là những tên lính hung tợn, và có một đám đông dữ tợn như muốn lột da xẻo thịt. Vậy thì, chắc rằng ông Xi-môn đã tìm hiểu về Chúa, đã từng nghe Ngài giảng, đã từng chứng kiến việc Ngài làm, đã âm thầm tin Ngài là con Thiên Chúa, để rồi giờ phút đau thương nhất của Chúa, ông biết bận lòng cùng Ngài.

Giữa cuộc đời lắm bon chen, cùng với sự xô bồ để rồi con quên mất mình là con của Chúa, đã chịu biết bao ân huệ mà Ngài đã ban xuống cho con. Nhưng con chưa một lần biết bận lòng cùng Chúa giữa những nghịch cảnh của xã hội, chưa một lần bận lòng vì những đòn roi Ngài đã chịu. Chưa một lần bận lòng trước sức nặng của Thập Giá mà Ngài đã vác, chưa một lần bận lòng trước tiếng kêu “khát” mà Ngài đã thốt lên trên Thánh Giá.
(Thứ 6 tuần Thánh, ngày 10-04-2020)
Bạn - Nhậu!

Giữa vũ trụ mệnh mông này, con người được hiện diện và sinh sống, dù con người chỉ chiếm 0,01% sự sống trên trái đất nhưng dường như con người chiếm vị thế cao hơn mọi loại trên trái đất. So với mọi loại sinh sống trong trời đất bao la này, con người là loài ưu việt nhất. Bởi vì con người được Tạo Hóa đưa vào đời để làm chủ trái đất, và tiếp tục duy trì, phát triển những điều tốt đẹp. Đạo xưa dạy rằng, con người luôn mang trong mình một phẩm chất, đó được gọi là “đức” của con người. Và “đức” là điều kết nối con người với trời và với nhau.

Sau chín tháng mười ngày trong dạ mẹ, mỗi người được Tạo Hóa mời gọi vào đời để sống với các mối tương quan của mình. Trước tiên con người được mời gọi nhìn lên trời để luôn biết kết nối với trời, từ đó để biết rằng tâm phải hướng lên để lòng luôn biết ở với người. Khi đã biết nhìn lên, đã biết rằng giữa trời đất bao la này dù luôn ở bất cứ nơi đâu, dù đi đến tận cũng cõi đất con người luôn được “Trời” dõi bước và ở cùng. Khi đã biết những điều đó rồi, con người được mời gọi vào sống với đời để kết nối ta với người, để tạo nên các mối tương quan thân thiết. Mối tương quan đầu tiên ta được đón nhận và kết nối đó là các mối tương quan trong gia đình, họ hàng, hàng xóm láng giềng. Đến một lúc nào đó ta biết chạy nhảy, bay vào đời với đôi cánh của mình, ta gặp được những người bạn, những người bạn đó có thể là xả giao, cũng có thể là tri âm, tri kỷ.

Lúc còn bé ta cùng chúng bạn vui đùa trên sân cỏ, vui đùa dưới bóng tre làng vào những ngày nắng nóng. Có những lúc hiếu kỳ ta rủ nhau chui rúc vào cột rơm của nhà hàng xóm, trèo lên chuồng bò của nhà nọ để chơi trốn tìm. Lúc đó ta luôn có những người bạn cùng lớn với tuổi thơ, sau này lớn lên mỗi người một phương, mỗi người một con đường và rồi sẽ còn sót lại bao nhiêu người bạn tuổi thơ đó để trở thành tri kỷ trên đường đời này. Bạn, lúc nhỏ ta chỉ cho nhau những trò chơi, chia sẻ cho nhau từng cái kẹo, cùng ăn chung một que kem nhưng đến khi lớn lên một chút, khi đã biết suy nghĩ ta cùng chia sẻ cho nhau những khó khăn trong cuộc sống. Tau yêu đứa nớ mà hắn không để ý đến tau, tau không thích con nớ mà hắn lại thích tau, tau bị bồ đá mi à. Và còn bao nhiêu điều khác bạn và ta cùng tâm tư kể chuyện trong đêm khuya với nhau nữa.

Từ những nỗi buồn vui trong đời, ta đến với nhau và rồi trở thành tri kỷ nhưng khi đã trở thành tri kỷ rồi, mà không có chén rượu, chén bia với nhau thật là nhạt nhẽo. Dù là những người không biết uống rượu, bia hay là những người biết uống chắc đã từng nghe câu “nam vô tửu như kỳ vô phong”. Có nghĩa là đàn ông mà không biết nhậu thì như lá cờ đứng giữa trời không có gió, luôn ủ rủ không vui tươi với đời được. Tuy nhiên, để trở thành những người bạn nhậu thực thụ với nhau không đơn giản khi thấy người ta đang nhậu ở bàn bên cạnh ta lại chúc một ly bia rồi cùng nhau hô hào, một hai ba zô, hai ba zô, ba hai uống, uống là phải uống cho hết không uống hết tau khinh. Trở thành “bạn nhậu” không phải như thế, mà để trở thành “bạn nhậu” với nhau để cùng ngồi với nhau từ ngày cho đến đêm, từ đêm cho tới sáng, phải là những người hiểu nhau, hay được gọi là tri kỷ của nhau.

Đến với nhau để trở thành những tri kỷ rồi trở thành những người “bạn nhậu”, cũng có thể là những người bạn ở với ta từ nhỏ đến khi trưởng thành, cũng có thể là những người bạn, nhờ một mối tương quan nào đó bên ngoài xã hội mà trời se duyên cho ta và họ được gặp nhau. Khi đã là “bạn nhậu” với nhau, khi đã cùng ngồi chung bàn với nhau để rồi cùng nói chuyện với nhau về mọi ngóc ngách của cuộc đời, lúc đó giữa hai người sẽ không tồn tại những giận hờn vụt vặt, những ít kỷ đan xen. Dù có khi có chút men vào trong người, lời nói của ta có thể khó nghe một chút, lời nói đó đôi khi có chút “khích tướng” nhưng đối với nhau đó chỉ là những lời thoáng qua để rồi vẫn cùng nhau cười, ôm nhau một cái, rồi sau đó “mi phải uống cho hết ly, hay mi phải tự phạt một lon”. Rượu bia là quà tặng mà Tạo Hóa ban cho con người để người ta có thể thưởng thức sự say mê đó một cách kỳ diệu.

Có câu rằng “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” nhưng còn sống bởi các giá trị tinh thần khác nữa. Nếu mỗi ngày sống của ta cơm ba bữa, áo quần mang cả ngày, giai điệu đó cứ lặp đi lặp lại mãi suốt cuộc đời thì đời tẻ nhạt biết bao nhiêu. Vì thế những thứ “men” là điều tốt để kết nối với nhau để tạo nên những giá trị tinh thần, qua đó tình bạn được kết nối. Tuy nhiên, phải biết dừng đúng lúc, phải biết mình, và phải biết đủ, để những thứ men đó không trở thành những điều xấu xa. Rượu bia cũng đã gây nên bao nhiêu tác hại đau thương cho con người, gia đình ly tan, con cái tha phương. Trên mặt báo mỗi ngày không thiếu những tin tức vì chút men trong người mà giết nhau, coi thường nhân phẩm của nhau. Có thể nói rằng, điều gì tồn tại trong thế giới vật chất này cũng có hai mặt của nó. Vì thế nhậu, phải nhậu đúng cách, biết thưởng thức, biết dùng nó để kết nối để các mối tương quan được gắn chặt. Đừng uống rượu, bia để cho no, cho oai và để khẳng định rằng ta vô địch thiên hạ trong chốn “men trường” này.

Là “bạn nhậu” thì luôn luôn biết kết nối với trời và với nhau. Để từ đó ta không quá lạm dụng men rượu nhưng dùng nó để đến và hiểu nhau. Trong thế giới mênh mông này có biết bao nhiêu điều kỳ vĩ mà Tạo Hóa ban tặng cho con người, chút rượu, chút bia tưởng chừng là kẻ thù nhưng nếu ta biết tận hưởng thì đó quả là một điều tuyệt vời. Nhưng ta cũng đừng quá chìm trong sự lâng lâng của nó mà nghĩ rằng nó vô hại. Người ta thường nói rằng, cái gì quá cũng không tốt, vì thế biết đủ mới là sự thông tuệ.

(By: Hope, ngày 13/04/2020)
Sự Đời!
Từ khi chúng nó lên ngôi
Xây nhà cướp của phá chòi người ta
Dân oan chỉ biết lo ra
Nép sau khung cửi nhìn nhà nát tan
Giờ đây chúng phá hoang tàn
Chẳng nơi nương tựa nhãn quan khuất mờ
Chúng giờ đúc tượng tôn thờ
Khua môi múa mép cao rao về mình
Miễn sao mọi thứ an bình
Ăn no cái bụng mặt phình tính sau
Vòng tròn lao lí vàng thau
Chúng không còn sợ hùa nhau cười trừ
Luật kia chúng nó cầm tù
Ai mà lên tiếng chọt mù mắt ngay
Sĩ phu chiếu sáng ban ngày
Cùng nhau lên tiếng lí ngay góp bàn
Vậy mà chúng nó làm càn
Đánh đập bắt nhốt cho tan tác nhà
Trời ơi trời có biết là
Ở đây dân chúng nhà nhà tang thương
Xin nhìn đến kẻ thê lương
Chữa lành an ủi kiếp người bi ai
(By: Hope, ngày 23/04/2020)


Tình Cha!
Đất trời vũ trụ bao la
Tình Ngài tuôn đổ hải hà biển khơi
Mong sao con sớm vào đời
Ra đi tìm đến mảnh đời thương đau
Nhưng sao con mãi âu sầu
Tìm đường thoái thác lui sâu nép mình 
Chúa ơi xin hãy thương tình
Nguôi cơn thịnh nộ tận tình bảo ban
Con đây còn lắm bất toàn
Đam mê danh lợi lo toan phận mình
Từ đây con quyết quên mình
Để tâm trong sáng nép mình bên cha
Tình cha biển rộng bao la
Đổ tràn ân phúc bao la đất trời 
Từ nay con sẽ vào đời
Cao rao tình Chúa trọn đời thương con.
(By: Hope, ngày 22/04/2020)
Tình Đời!
Sáng ra ngồi ngẫm sự đời
Tình nhân thế thái xa vời lắm thay
Tình người nay đậu mai bay
Làm sao tỏ hết lòng ngay một phần
Ai kia thấu rõ vài phần
Xin bày cho sáng phân vân trong lòng
Kẻo lòng này nặng thân mong
Đêm trường thao thức tấm lòng bất an
Trời xanh giải nghĩa nhân gian
Am tường nhân thế tình thân chốn này
Ánh dương ơi chiếu khách này
Để cho thấu rõ lòng ngay rạch ròi 
(By: Hope, ngày 21/04/2020)

Thứ Năm, 5 tháng 3, 2020

HẠNH PHÚC LỆ THUỘC QUYỀN BÍNH

Ở chốn dương gian này thứ khó tìm nhất đối với con người có lẽ là hạnh phúc. Hạnh phúc không tồn tại ở dạng vật chất để con người dễ dàng tìm kiếm và bắt lấy. Hạnh phúc là một trạng thái, nó tồn tại trong mọi ngóc ngách của cuộc sống. Đó là cảm giác đến từ trái tim chứ không phải nhận định của người khác. Tuy nhiên, để đạt đến hạnh phúc cũng cần có sự trợ giúp của lí trí, để có thể đưa tâm hồn của mình đi đúng hướng mà Tạo Hóa đã đặt để sẵn cho con người phải theo. Thuở xưa trong vườn địa đàng con người được cảm nếm hạnh phúc mà Tạo Hóa ban cho nhưng vì theo ý riêng và luôn cho mình là đúng nên đã phải chịu cảnh lầm than. Hậu quả đó là kết quả của một sự chọn lựa do chính con người lựa chọn. 

Trên chuyến hành trình ở chốn dương gian này mỗi người ai cũng khắc khoải để kiếm tìm hạnh phúc cho riêng mình. Hạnh phúc có thể là lúc được gặp người mà mình thương mến, cũng có thể là lúc được sum vầy bên gia đình, hay là những cái bắt tay với tâm phúc của mình...vv. Hạnh phúc đôi khi chỉ là những cử chỉ yêu thương rất đỗi bình dị. Tuy nhiên, giữa một xã hội náo động, giữa một xã hội luôn quay cuồng với sự phát triển của nó, con người như bị cuốn vào vòng quay đó như một vòng luân hồi mà không thoát ra được. Để rồi đến một ngày theo vòng quay của xã hội con người thấy tâm hồn mình bị trống rỗng và xao động, từ đó họ bắt đầu đặt ra câu hỏi hạnh phúc thực sự đang ở nơi đâu?

Hạnh phúc thực sự đối với con người chỉ mỗi người mới có thể biết được, vì thế hạnh phúc tùy vào chổ đứng và cách nhìn của mỗi người. Có một số chủ trương rằng chỉ cần có nhiều tiền để thỏa mãn các dục vọng trần tục thì sẽ hạnh phúc – xây được một ngôi nhà khang trang, có người hầu kẻ hạ, được thỏa mãn các nhu cầu thể xác . Cùng với chủ trương đó họ cố sống làm sao đó để đạt được mục đích mà họ đề ra. Họ lao mình vào kiếm tiền như con thiêu thân lao vào ánh sáng mà không màng chuyện sống chết chỉ cần thỏa mãn được nhu cầu mình nhắm tới. Để rồi sau khi đã thỏa mãn được các nhu cầu – nhà đã xây, kẻ hầu người hạ đã có, nhu cầu thể xác cũng không thiếu lúc đó liệu rằng họ có thực sự hạnh phúc?

Có một số người chủ trương rằng hạnh phúc – khi biết thỏa mãn những gì mình đang có, biết sống yêu thương với người thân và đồng loại, luôn biết giúp đã những người cô thế cô thân và luôn muốn tỏa hương thơm tình yêu cho đời. Cùng với chủ trương đó họ cố gắng sống để đạt được mục đích của mình. Suốt chuỗi ngày sống của họ luôn cố gắng trao ban tình yêu. Chỉ cần nở nụ cười với các cụ già, thương mến các em nhỏ, luôn niềm nở với tha nhân, sẵn sàng vì mọi người lui về phía sau để cho họ được phần hơn. Họ sống với chỉ một mục đích rằng: mong được Tạo Hóa ghé mắt nhìn đến họ, luôn ở bên họ mỗi khi họ gặp gian nan khốn khó luôn bênh đỡ họ mỗi khi họ bị vấp ngã vào vũng bùn của những dục vọng thế gian. Đối với họ hạnh phúc là thế!

Dưới lăng kính của đức tin Công Giáo chúng ta biết rằng chúng ta được Thiên Chúa dựng nên để nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, để làm việc lành theo ý Thiên Chúa, và để một ngày nào đó đạt đến quê Trời. (Youcat 1) Vì thế nếu ta chủ trương hạnh phúc của mình, chỉ cần thỏa mãn được nhu cầu của xác thịt thì ta đã tự loại mình ra khỏi tình yêu và quyền bính của Thiên Chúa. Khi đức Giê-su đến thế gian Ngài đã thiết lập quyền bính của mình ở thế gian. Khỏi đầu từ mười hai Thánh tông đồ và đến bây giờ người có vị trí cao nhất trong giáo hội Công Giáo là đức Giáo Hoàng. Tự bản chất con người là yếu đuối, hay sa ngã và kiêu ngạo. Dù khi đã phạm tội nhưng luôn cho mình là đúng, ngoài mình ra thì không có ai thông minh, đạo đức hơn mình, mình là quy chuẩn để mọi người soi vào. Vì con người hay sa ngã và luôn muốn làm theo ý riêng của mình nên Chúa Giê-su đã thiết lập quyền bính của Ngài ở thế gian. Để trong Giáo Hội mỗi người sẽ được đi đúng hướng và qua Giáo Hội Thiên Chúa mặc khải ý muốn của Ngài.

Quyền bính được ví như cái ống dẫn nước để làm cho nước đi đúng đường để có thể sinh lợi ích, cũng có thể được ví như dây cột diều, diều muốn bay lên thì phải có dây, muốn bay cao thì dây phải chắc, nếu như diều muốn tách mình ra khỏi dây thì diều sẽ bị rơi xuống đất và không còn bay lên được nữa. Khi con người tách mình ra khỏi lề luật của Giáo Hội để sống phóng túng theo ý riêng của mình thì họ sẽ nhận lãnh hậu quả mà họ đã chọn. Ví như có anh chàng nọ không theo đường lối của giáo hội để ly dị vợ và lấy vợ khác thì hậu quả mà anh ta nhận lấy là gia đình ly tán, con cái bị mất đi đời sống gia đình êm ấm và bị thiếu tình yêu thương trọn vẹn từ cha mẹ. Khi con người lệ thuộc vào lề luật để sống yêu thương họ sẽ có một đời sống an nhiên vì biết rằng mình công chính và không có gì phải hổ thẹn với đời. Các Thánh là nhân chứng rõ nét nhất khi biết lệ thuộc lề luật của giáo hội để sống hạnh phúc. Dù các Ngài có bị gươm đao đâm chém, có bị người đời sỉ vả nhưng trên đôi môi của các Ngài luôn nở nụ cười với đời.

Hạnh phúc là thứ mà con người dùng cả đời để tìm kiếm. Hạnh phúc sẽ trọn vẹn nếu mỗi người biết đi đúng đường. Và chính quyền bính của Giáo Hội là nơi mỗi người có thể tìm thấy đường đi của mình. Vì qua Giáo Hội Thiên Chúa mặc khải ý muốn và trao ban mọi ơn lành của Ngài cho toàn thể dân của Ngài. Có thể nói rằng hạnh phúc lệ thuộc lề luật, hạnh phúc trọn vẹn khi biết yêu mến và vâng phục lề luật.