HÀNH TRÌNH ƠN GỌI
Khoảnh khắc ban đầu bao giờ cũng để lại trong ta nhiều
dấu ấn. Cái khởi đầu cho một sự việc có cái gì đó tuyệt vời và khó quên của ta.
Khó quên là bởi vì nó cứ đọng mãi trong ta như một khởi điểm cho một nguồn hạnh
phúc nào đó mà ta vừa bắt gặp. Cái đầu tiên chạm tay người thương mến, cái đầu
tiên run lên khi gặp người mình yêu. Những kiểu đầu tiên ấy mở ra một khung
trời mới, khung trời mới đó với ta tuyệt mỹ hơn, đẹp hơn, đáng yêu hơn, hạnh
phúc hơn tuy nhiên đối với người khác nó chẳng có gì thay đổi cả. Tình yêu đôi
lứa có thể giữ mãi trong tim phút đầu tiên gặp gỡ, thì con, trong tiến trình ơn
gọi của mình cũng có giây phút đầu tiên gặp gỡ.
Thánh Gioan có lẽ là người có kinh nghiệm rõ rệt hơn
ai hết về phút đầu tiên gặp gỡ ấy. Lần đầu tiên Ngài gặp Chúa Giê Su là khi
nghe Thánh Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giê su là con Thiên Chúa. Không biết
điều gì nơi Giê su đã để lại ấn tượng manh mẽ đối với Gioan như vậy, khiến ông
không thể nào quên. Mấy chục năm sau khi viết lại Tin Mừng của mình, ông vẫn
nhớ đó là khoảng vào giờ thứ mười. Qua kinh nghiệm gặp gỡ đầu tiên của Gioan
con cũng nhớ lại khoảnh khắc gặp gỡ đầu
tiên của mình. Ngày ấy con là chú giúp lễ nhà thờ, đang là học sinh lớp sáu.
Ngày ấy gia đình con bảo là gắng học hành cho tốt khi lớn lên mà đi tu nghe
con, ngày ấy con có biết tu là gì? Con cũng đâu biết cảm nhận được thế nào là
tình yêu Giê su? Thế nhưng qua cái đơn sơ của trẻ con, Giê Su đã đưa con vào
niềm vui sướng niềm ước ao mà con không thể nào diễn tả bằng lời. Khi ấy Giê Su
cho con thấy hình ảnh Linh Mục dâng lễ đẹp biết bao, phẩm phục các Ngài mang
đẹp biết chừng nào cho dù khi ấy con chẳng biết ý nghĩa gì về sự huyền nhiệm
cao siêu đó. Từ đứa trẻ con và những suy
nghĩ đơn sơ đó Giê Su đã tác động mạnh vào con đường và ý hướng của con. Đối
với Gioan ngày đó giờ thứ mười đó đã giúp ông cởi bỏ con người cũ và bắt đầu
sống một lý tưởng mới, một con người mới. Giờ thứ mười đối với Gioan không là
những con số, không chỉ là thời gian nhưng là món quà hồng phúc, đánh dấu cho
một tình yêu mà con tim ông thổn thức
trong chờ. Với con không được mạnh mẽ như Gioan hồi ấy, cũng không mạnh liệt
xác tín tình yêu Giê Su được như Ngài. Nhưng qua Gioan cũng phần nào cho con
cảm nhận được như có một tình yêu nào đó đang thôi thúc con.
Dòng đời cứ lặng lẽ trôi theo tiến trình của nó, học
hết chương trình phổ thông con thi vào đại học. Ngày nhập trường để bước vào
cuộc đời sinh viên với biết bao ngỡ ngàng và bỡ ngỡ. Cuộc sống sinh viên với
biết bao nhiêu thiếu thốn vật chất lẫn tinh thần. Đặc biệt đối với một tân sinh
viên vừa mới xa nhà, xa vòng tay gia đình, người thân. Điều đó làm tăng thêm sự
thiếu thốn về mặt tình cảm. Để bù đắp cho sự thiếu thốn đó con cũng kiếm cho
mình một người bạn gái để yêu, để thương, để nhớ. Khi đó con bỏ quên cái lý
tưởng mà lần đầu tiên con gặp, quên đi tình yêu Giê Su mà con đã từng cảm nhận
được. Nhưng dẫu con thế nào đi nữa Giê Su vẫn luôn chờ và gọi con về. Ngài gọi
con về với lý tưởng với cảm nhận tình yêu Giê Su đó qua các biến cố xảy ra với
con. Giây phút hiện tại đây nhờ ơn Chúa con vẫn giữ được ý hướng đó, vẫn cảm
nhận được tình yêu đó. Dù là khi mãnh liệt khi mơ hồ và có khi cảm thấy hoài
nghi về ơn gọi.
Ngày xưa Chúa gọi cụ Apraham bỏ lại mọi sự mà bước đi,
chỉ mang theo ít sản nghiệp và gia đình để lên đường. Nhưng đi đâu, làm gì
Thiên Chúa không cho ông biết. Tương lai
phía trước hoàn toàn mù mịt đối với ông. Ông chỉ biết đi theo chỉ dẫn của Chúa,
đi đến đâu Chúa mở lối tới đó. Ông bước vào một cuộc phiêu lưu với cuộc đời,
mạo hiểm với tương lai. Cuộc phiêu lưu của ông làm nhiều người sợ, đối với con
hiện tại cũng mang một tâm trạng và nổi sợ đó. Trong thâu thẳm tâm hồn con cũng
phần nào cảm nhận được tiếng gọi ra đi, ra đi tìm hiểu để dấn thân, phục vụ và
hy sinh. Nhưng tiếng gọi đó không phát ra thành lời lắm lúc làm cho con sợ, sợ
mình sẽ đi về đâu? Mình có ơn gọi không? Hay đi một đoạn đường nào đó thì phát
hiện mình không có ơn gọi rồi đứt gánh giữa đường. Hay những cảm nhận về ơn gọi
ra đi đó chỉ là sự ngộ nhận thôi. Bao nhiêu câu hỏi và nổi sợ đó vây kín đầu óc
và tâm hồn con nhưng những khi nỗi sợ đó ám ảnh con thì Thiên Chúa lại gửi một
sự kiện nào đó để thôi thúc con mạnh mẽ hơn, tin tưởng hơn, yêu đời hơn. Có
nhiều lúc con cũng mạnh mẽ lắm chứ cũng dám lần mò bước đi như cụ Apraham nhưng
khi được gửi Thập Giá đến con lại chùn bước có khi suýt chìm xuống nước như Phero,
vì lòng tin bị đứt đoạn. Cứ mỗi lần như vậy con lại cảm nhận được như có bàn
tay nào đó đang giang ra đỡ lấy con, nhẹ nhàng kéo con đứng dậy. Mỗi suy nghĩ
liều mình bước đi với ơn gọi dâng hiến con cũng cảm nhận được những điều kỳ
thú, hạnh phúc. Sự an nguy về tương lai về đường đi giờ đây con dâng lên hết
cho Chúa. Con xin phó mặc mọi sự mà Chúa đã và sẽ dẫn con đi đến nơi nào mà
Ngài muốn.
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai
tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).
Tin tưởng vào tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa con xin dâng ý hướng, tương
lai cuộc đời này cho Thiên Chúa. Người Cha nào mà lại không có định hướng tốt
cho con cái, người Cha nào mà lại không muốn con mình có tương lai tốt. Thế
giới có hàng tỷ người thì mỗi người là một người con đặc biệt đối với Chúa nên
con tin rằng Thiên Chúa sẽ dẫn con đi đến nơi nào mà Ngài thấy tốt cho con, con
đường nào mà phần rỗi linh hồn con được tốt hơn và cũng phần nào đó mưu ích
được cho các linh hồn.
Người viết
Fx: Phạm Thanh Cảnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét