Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

CHỨNG NHÂN VÀ THẦY DẠY

“Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân”.

Đó là câu nói của Đức Chân phước Giáo Hoàng Phaolô VI muốn nói về việc sống và làm chứng cho tin mừng. Vậy thế nào được gọi là thầy dạy, thế nào là chứng nhân? Vai trò của thầy dạy trong đời sống chứng nhân như thế nào? Xã hội hôm nay với công nghệ thông tin hiện đại ta có thể biết rất nhiều thông tin nhưng những thông tin ấy làm sao để  kiểm chứng đó là đúng sự thật? Phải chăng chỉ cần lời nói là đủ, chỉ cần lời nói là có thể thuyết phục được lòng tin của mọi người? Vậy phải chăng làm một việc cụ thể, làm chứng nhân cho lời nói thì hơn chỉ là nói thôi sao?.
Xã hội con người giữa tương quan với nhau, giữa cha con, anh em, bạn bè xã hội... người ta thường dùng lời nói của mình để an ủi và dạy bảo nhau trong những lúc người kia gặp phải khó khăn gian nan khốn khó. Khi ta gặp phải một khó khăn nào đó mà có người cùng tâm sự, dạy bảo, an ủi động viên ta thì hầu như mọi khúc mắc trong tâm hồn ta được giải tỏa và khi đó mọi thứ xung quanh ta như được đổi mới từ cảnh vật cho đến trong cõi lòng của ta. Và nếu khi ta buồn có ai đó an ủi, dạy bảo ta và làm cho ta một việc cụ thể nào đó thì chắc ta sẽ khắc ghi công ơn của người đó nhiều lắm, không chỉ những biết ơn ta còn thấy sự chân thành của người đó, qua hành động người đó làm cho ta chứ không chỉ dừng lại ở lời nói. Thế nhưng con người trong xã hội hôm nay đây với chủ trương sống hưởng thụ sống vì hình thức, họ không còn quan tâm đến những cái cốt yếu căn bản của đời sống con người nữa. Họ chỉ biết nói mà không làm, dẫu rằng lời nói rất cần thiết để ủi và làm tiền đề cho sự tin tưởng của người khác, tuy nhiên chỉ nói thôi thì không thể thuyết phục người ta tin tưởng hoàn toàn vào lời nói đó được. Ngày nay các nhà lãnh đạo cũng đưa ra nhiều quyết tâm nơi cửa miệng, họ nói sẽ quyết tâm làm cho đời sống của người dân ngày càng cải thiện, đời sống an sinh được tốt lành, hạn chế tham ô tham nhũng, phòng chóng nạn cướp giật bóc lột... những quyết tâm nơi cửa miệng của họ làm cho người dân hầu như không còn tin tưởng vào tài năng lãnh đạo của họ nữa vì họ chỉ nói thôi mà không đi đến một công việc thiết thực để chứng thực cho lời nói của họ, họ chỉ biết đưa ra thuyết nhưng không biết chứng minh, họ chỉ biết đánh bóng bản thân mình qua lời nói nhưng không biết dùng hành động để làm sáng. Trong đời sống hằng ngày của người Kitô Hữu hôm nay cũng vậy có một số người đến với Chúa và Giáo Hội chỉ là một hình thức, họ đi đến nhà thờ chỉ vì sợ người khác dị nghị, họ thích nói về Chúa, dạy về Chúa cho người khác hơn là sống để làm chứng cho giá trị tin mừng. Nếu một người tín hữu biết sống theo lời Chúa, đem lời Chúa ra thực hành thì đáng giá biết là chừng nào, một người Linh Mục giảng về lời Chúa mà cùng thực hành lời Chúa, đem thân mình ra làm chứng nhân cho mọi lời nói thì lời nói ấy như một bản nhạc sống động thể hiện qua những hành động của người Linh Mục. Nhưng Ngài chỉ giảng thôi mà không sống chứng nhân cho giá trị tin mừng ấy thì lời nói đó cũng chỉ như gió thoảng qua đối với người nghe. Nhìn lại lịch sử Giáo Hội ta thấy các Thánh Tông đồ ngày xưa đã nhiệt thành rao truyền lời Chúa và ra đi làm chứng cho những lời rao truyền ấy, các vị là những chứng nhân sống động cho giá trị Tin Mừng của Chúa Kitô các vị đã không mệt mỏi làm chứng, để mọi lời nói của các Ngài luôn tồn tại mãi qua các thế hệ, ý thức với việc sống chứng nhân Thánh Giacôbê tông đồ cũng đã khuyên các tín hữu thời bấy giờ và ngày hôm nay đây lời nói ấy vẫn còn tính thời sự với con người trong xã hội hôm nay “Đức tin không việc làm là đức tin chết” (Gc 2, 17). Là một người sống chứng nhân Thánh nhân đã không quên để lại cho thế hệ mai sau những bài học quý báu qua đời sống chứng nhân của mình. Đã có biết bao nhiêu người qua bao thế hệ cố gắng định nghĩa cho được tình yêu theo cảm nhận của riêng mình nhưng mấy ai định nghĩa hay là thực thi tình yêu đó một cách đúng đắn cho thế hệ mai sau? Có một người đã âm thầm lặng lẽ rao truyền tình yêu, dãy dỗ về tình yêu, loan báo về một tình yêu không tỳ ố không vết nhơ và chính con người ấy đã dùng chính cả cuộc đời mình làm bằng chứng sống động cho tình yêu, hành động của con người ấy là một định nghĩa đúng đắn về tình yêu, người đó chính là Giê-Su suốt cuộc đời đã làm một chứng nhân sống động cho lời loan truyền của Thiên Chúa. Chính chúa Giê-Su là gương mẫu cho mọi chứng nhân Ngài đã tự hạ làm kiếp phàm nhân để chung chia cảnh đời cơ cực với con người, Ngài đã yêu thương không chỉ dừng lại ở lời hứa qua miệng các ngôn sứ mà Ngài đã thể hiện tình yêu đó với loài người một cách sống động qua việc hiến dâng tất cả chỉ vì tình yêu.

Chứng nhân và thầy dạy luôn đi đôi với nhau, chứng nhân thì cũng phải cần thầy dạy, mà thầy dạy thì cũng cần chứng nhân nhưng chứng nhân thì cần thiết và quan trọng hơn thầy dạy, xin Chúa ban ơn cho chúng con luôn ý thức được điều đó để mỗi ngày trong đời sống chúng con biết thực hành những lời Chúa dạy hầu cho mọi người thấy tình yêu Chúa luôn tồn tại mãi qua việc làm của chúng con.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét